Hai luật 'đá nhau' về nhà ở xã hội
Cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và kế thừa các quy định có hiệu lực, tính ổn định của Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 về nhà ở xã hội.
- 13-05-2023TPHCM đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo định hướng mới
- 13-05-2023Dự thảo Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi: Chồng chéo, 'vẽ' thêm giấy phép con
- 13-05-2023TP.HCM phân nhóm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng hơn 81.000 căn nhà
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Quốc hội, các bộ ban ngành sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề nghị miễn tiền sử dụng đất , không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá học sinh, sinh viên, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước, xây dựng lại nhà chung cư.
Đề nghị trên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và kế thừa các quy định có hiệu lực, hiệu quả, có tính ổn định của Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014.
Theo HoREA, Luật Đất đai 2013 quy định cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước. Đồng thời quy định cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bao gồm dự án nhà ở công vụ nên chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Nhà ở 2014.
Ngoài ra, điểm bất cập của Luật Nhà ở 2014 là chưa quy định cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án xây dựng lại nhà chung cư và Luật Đất đai 2013 cũng chưa quy định cơ chế này để hỗ trợ chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư thực hiện dự án xây dựng lại nhà chung cư. Do đó, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP và Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án xây dựng lại nhà chung cư, nhưng do vướng 2 luật trên nên các Nghị định này không thực thi được.
Hiện nay, cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án xây dựng lại nhà chung cư đã được bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, nhưng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa bổ sung cơ chế này nên chưa đồng bộ, thống nhất.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, HoREA cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được hưởng các cơ chế ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc diện phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để nộp cho Nhà nước trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được hưởng các cơ chế ưu đãi sau được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Đầu tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án dự báo nhu cầu nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ tăng cao. Trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân đến năm 2030 là 2,4 triệu căn. Đề án cũng nhấn mạnh việc hoàn thành 1 triệu căn hộ là nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. Theo đó giai đoạn 2021 - 2025 là 428.000 căn, giai đoạn tiếp theo là 634.200 căn.
Tiền Phong