Hai "ông lớn" đường sắt ở Việt Nam ra thông báo bất ngờ: Thời của đường sắt sắp lên ngôi?
Vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt đang ghi nhận những tín hiệu rất tích cực khi hai công ty đường sắt Hà Nội và Sài Gòn cùng thông báo lãi đậm.
- 08-11-2023Trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ
- 08-11-2023Đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
- 07-11-2023Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, đây là loạt chỉ số chứng minh cho điều đó
Vậ
Đoàn tàu Bắc - Nam chạy qua biển Đông phía bắc đèo Hải Vân. Ảnh: Matt Munro/Lonely Planet
Hai "ông lớn" ngành đường sắt Việt Nam bất ngờ báo lãi đậm
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa công bố lợi nhuận trong quý III/2023 đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Ngoài ra, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp tăng 40%, lên gần 110 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội đạt gần 1.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương hoàn thành 3/4 chỉ tiêu doanh thu và đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận chỉ 550 triệu đồng của năm nay.
Đây là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị.
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, SRT ghi nhận 442 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế tăng tới 129% lên 43 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Đường sắt Sài Gòn tính chung 9 tháng ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp theo đó đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (600 triệu đồng).
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn chính là hai công ty có quy mô lớn nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, ngành đường sắt đã vận chuyển tổng cộng 4,9 triệu lượt khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu để đạt được kết quả trên là do việc cải thiện trong biên lãi gộp, tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động và tăng nguồn thu từ lãi tiền gửi.
Bên cạnh đó là nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch nước ngoài tăng cao, đặc biệt là trong Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp hè 2023. Doanh thu vận chuyển hàng khách, hàng hóa trong những tháng đầu năm 2023 có bước tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.
Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet bình chọn tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong số những hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới. Ảnh: Ảnh: Scenic Vietnam/Shutterstock
Trước đó, ngành đường sắt từng trải qua giai đoạn 2017-2022 rất khó khăn do hệ thống kinh doanh cũ kỹ như hệ thống kết cấu hạ tầng lạc hậu, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ… Cùng với đó là tác động lớn của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng và cạnh tranh giá cước với các loại hình vận tải khác.
Trong giai đoạn kinh doanh thua lỗ trước đây, ngoài những lý do khách quan, công ty đường sắt còn thừa nhận do tác phong phục vụ của nhân viên chưa đáp được yêu cầu khách hàng, nhất là nhóm người lao động lớn tuổi, các đoàn tàu chưa có wifi, tồn tại hiện tượng "bao khách" và "bao hàng".
Tuy nhiên, vận tải đường sắt đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn gần đây để kéo hành khách quay trở lại, nhất là về đầu tư và hạ tầng, hiện đại hóa các khoang tàu và đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ cao cấp đến khách hàng. Chẳng hạn như việc đưa vào đội tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng ngày 20/10 vừa qua, giúp hành khách có được sự trải nghiệm thú vị, thoải mái, tận hưởng trọn vẹn cung đường đẹp nhất của đường sắt Việt Nam.
Tàu xuất phát từ Hà Nội vào buổi tối, qua đèo Hải Vân vào giữa giờ sáng hôm sau, hành khách có thể ngắm "đệ nhất hùng quan" qua cửa sổ con tàu trong không gian giường nằm vô cùng ấm cúng. Ảnh: VGP
Vietnamnet dẫn lời lãnh đạo VNR cho biết ngành đường sắt đang nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ, cải tạo nhà ga hành khách, chuyển đổi số... đồng thời triển khai chính sách giá vé linh hoạt, liên kết công ty du lịch khai thác khách nước ngoài, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tàu cao cấp, food tour.
Đường sắt phải "lột xác", thay đổi toàn diện để giành lại vị thế
Trao đổi với PV Sức khoẻ & Đời sống, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh lý giải, thành công này của ngành đường sắt chứng tỏ sự quay trở lại của hành khách là rất lớn, tiềm năng phát triển trong tương lai cũng rất cao.
Thời gian dài vừa qua, ngành đường sắt kinh doanh thua lỗ, hành khách không mặn mà bởi rất nhiều lý do như chất lượng dịch vụ kém, quản lý vận hành còn nhiều tồn tại, giá thành so với các phương tiện khác như máy bay không có nhiều khác biệt... Đến nay, khi giá vé máy bay tăng cao trong khi dịch vụ hành khách của đường sắt được cải thiện, người dân quay trở lại phương tiện này cũng là dễ hiểu.
Trước đây ngành đường sắt đang rơi vào tình trạng quá cũ kỹ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân chính là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá. Do đó, đổi mới đường sắt phải làm cả phần "cứng" và "mềm". Phần cứng chính là đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại bộ máy… còn phần mềm là thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ… "Phải đổi mới toàn diện, triệt để như vậy thì đường sắt mới có thể tìm lại sức hút, lấy lại thị phần và phát triển được", chuyên gia nhận định.
Một cuộc cách mạng để thay đổi toàn diện bộ mặt ngành đường sắt là yêu cầu sống còn để lĩnh vực vận tải lâu đời này có thể tìm lại được chính mình. Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay, những tín hiệu lạc quan về sự trở lại của hành khách đối với đường sắt chính là cơ hội không thể tốt hơn để ngành này đổi mới, xây dựng lại hình ảnh của mình.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai, nhằm hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững. Ảnh minh hoạ.
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, PTS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong những năm trở lại đây, sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều loại hình vận tải, trong đó đi đầu là hàng không và đường bộ đã giúp cho ngành đường sắt nhìn rõ được những yếu kém, lạc hậu của mình. Rõ ràng vị thế của đường sắt hiện nay so với trước kia đã suy giảm rất nhiều. Nếu không đổi mới triệt để, đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc hành khách có dấu hiệu trở lại với đường sắt trong thời gian gần đây là điều rất đáng mừng, ngành đường sắt phải biết tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh, thay đổi cung cách quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm kéo hành khách về với mình nhiều hơn nữa.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ đường sắt Việt Nam đã từng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 1980 - 2005, hiện đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác.
Cùng với đó, hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Nguồn nhân lực ngày càng mai một.
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phát triển đường sắc tốc độ cao nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý tập trung vào luận giải sự phù hợp về định hướng, quan điểm, mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; chứng minh để khẳng định một đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao; việc đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện; khẳng định quan điểm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục "xương sống" theo kết luận của Bộ Chính trị.
Đời sống và Pháp luật