Hai tháng, giải ngân được 8,3% vốn kế hoạch
Dịch bệnh sẽ khiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 suy giảm mạnh. Trong tình cảnh này, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những “cứu cánh”. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 8,3%, khiến những bộ, ngành có trách nhiệm đều “sốt ruột”.
- 16-03-2020Giá dầu lao dốc, thu ngân sách không giảm nhiều
- 12-03-2020Hà Nội đưa ra 4 kịch bản giảm thu ngân sách do dịch COVID-19
- 02-03-2020Ngân sách 'bay' 150 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu mỗi ngày vì dịch Covid -19
Vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 29/11/2019. Đây là lần đầu tiên 100% số vốn kế hoạch được giao hết trong một lần. Cùng với đó, đến hết năm 2019, các bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương ra quyết định giao chi tiết đầu tư 457.107 tỷ đồng cho các dự án đủ thủ tục đầu tư và đủ điều kiện giải ngân.
“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2020 kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm. Chỉ còn một số ít dự án chưa đủ thủ tục đầu tư nên chưa giao được kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Dù đã được giao nhưng số vốn đầu tư công giải ngân trong 2 tháng đầu năm rất thấp. Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm 2020.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công. Đồng thời trong các tháng đầu năm, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước khiến tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch năm 2020”, Tổng cục Thống kê đánh giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,6%. Tổng cục Thống kê đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng tập trung xử lý điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019.
Theo Bộ KH&ĐT, với những quy định mới tại Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiều thủ tục được đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ tốt hơn.
“Sợ trách nhiệm”
Theo các chuyên gia, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại trong nhiều năm. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT từng chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là do lãnh đạo địa phương “sợ trách nhiệm”, rà soát thủ tục hồ sơ nhiều lần, tốn nhiều thời gian.
“Một chủ tịch UBND tỉnh từng nói với tôi, trước đây, hồ sơ chỉ cần duyệt 1 lần nhưng 2 năm gần đây, tôi cho rà soát 2-3 lần. Nếu còn vướng mắc trong hồ sơ, tôi sẽ tiếp tục yêu cầu rà soát tiếp, tránh nguy cơ bị kỷ luật về sau. Tiền đầu tư công chậm còn hơn giải ngân khi thiếu sót hồ sơ”, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, Chỉ thị 11/CT-TTg (về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19) đã nêu ra rất nhiều nhóm giải pháp, trong đó, nổi bật là nhóm giải pháp về đẩy mạnh đầu tư công.
“Tác động của dịch bệnh đến nhóm ngành nghề thương mại dịch vụ và sản xuất có thể thấy cung- cầu đều khó khăn và “kích cầu” ngay cũng khó có tác dụng đáng kể. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy đầu tư công, chú trọng chất lượng, chú trọng những lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh mẽ là giải pháp cần ưu tiên hơn cả”, ông Kiên cho biết.
Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu như: Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020...đang bị chậm trong triển khai và rất cần luồng vốn mới để khai thông.
Để giải ngân vốn đầu tư công nhanh, theo Bộ KH&ĐT cần tháo gỡ vướng mắc trong lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công; gỡ vướng trong mời thầu, đấu thầu dự án; giải phóng mặt bằng…
(Còn nữa)
Tiền phong