MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai tiến sĩ profile "khủng" khởi nghiệp với mô hình trồng nấm thông minh, Shark Bình: "Tôi thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học"

02-01-2024 - 08:28 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù đều là tiến sĩ tại Úc, hai đại diện của startup Clever Mushroom gặp khó khăn trong việc gọi vốn từ các "cá mập" khi chưa đưa ra được chiến lược kinh doanh rõ ràng. Shark Hưng đánh giá sản phẩm họ đang nghiên cứu "rất lãng mạn", còn Shark Bình bày tỏ "cảnh giác với startup của các nhà khoa học".

Hai tiến sĩ profile "khủng" khởi nghiệp với mô hình trồng nấm thông minh, Shark Bình: "Tôi thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học" - Ảnh 1.

Hai đại diện của startup Clever Mushroom đều là tiến sĩ tại Úc.

Xuất hiện trong tập 14 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, startup Clever Mushroom kêu gọi 300.000 USD để đổi lấy 10% cổ phần công ty, với mô hình trồng nấm thông minh. Hai đại diện của công ty bao gồm CEO Trung Võ - Tiến sĩ Vật lý từ trường Đại học Sydney (Úc) và CTO Khuyên Nguyễn - Tiến sĩ trí tuệ nhân tạo tại Đại học Macquarie (Úc).

Theo CEO Trung Võ, Clever Mushroom đã đưa công nghệ vào chiếc hộp đựng nấm của họ, bao gồm một số công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và thị giác máy tính.

"Chúng tôi thu thập tất cả dữ liệu, chuyển lên cloud, kiểm soát và sau đó tự động hóa toàn bộ quá trình phát triển. Vì vậy, mọi người không cần biết cách trồng nấm vẫn có thể sản xuất và giao cho khách hàng của mình.

Chúng tôi đã tích hợp cả trang trại nấm vào ngôi nhà chỉ bằng một bước vô cùng đơn giản. Như các Shark có thể thấy, đây là công nghệ in 3D và sẽ được đưa ra thị trường trong vòng 2-3 tháng tiếp theo.

Mọi người chỉ cần dùng chiếc hộp trồng nấm như chúng tôi đưa ra ở đây, sử dụng điện thoại tải ứng dụng và quét mã QR. Từ đó, thiết bị thông minh của chúng tôi sẽ hiểu được loại nấm mọi người muốn trồng. Sau đó, mọi người không cần phải làm gì khác, chờ 5 ngày là có thể thưởng thức món nấm của mình", anh trình bày.

Trung Võ chỉ ra thế mạnh lớn nhất của Clever Mushroom không phải hệ thống IoT hay camera giám sát, mà là dữ liệu thu thập được khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Từ đó họ có thể xử lý và nâng cấp các mô hình mẫu của mình trên hệ thống.

Shark Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi tại sao Clever Mushroom không bán công nghệ, bởi "chắc chắn có lời hơn bán nấm". CTO Khuyên Nguyễn giải đáp rằng họ từng giới thiệu các sản phẩm về công nghệ cho nông dân tại Úc, nhưng không được tin tưởng bởi hầu hết nông dân ở đây không hiểu về công nghệ.

"Chúng tôi đối mặt vấn đề là quá mất thời gian để dạy mọi người sử dụng công nghệ này, nên tự làm một nông trại mẫu. Khi đã có tiếng nói, chúng tôi sẽ lùi lại và cung cấp giải pháp cho người nông dân, chứ không có ý định cạnh tranh với họ", Trung Võ bổ sung.

Hai tiến sĩ profile "khủng" khởi nghiệp với mô hình trồng nấm thông minh, Shark Bình: "Tôi thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học" - Ảnh 2.

Tới đây, Shark Minh Beta thắc mắc rằng sự dịch chuyển từ làm nông sang làm công nghệ đã được tính toán chi tiết, hay startup vẫn đang loay hoay dò đường đi, nhưng hai đại diện của Clever Mushroom chưa đưa ra được câu trả lời đúng trọng tâm.

"Vấn đề lớn mà mình đang nhìn thấy là các bạn có vẻ rất chuyên sâu về kỹ thuật, nhưng để phát triển một doanh nghiệp, nhất là với một mô hình mới và cần tìm hướng đi như thế này thì bài toán về chiến lược rất quan trọng và cần thiết", Shark Minh Beta nêu quan điểm.

Khuyên Nguyễn thừa nhận trong đội ngũ sáng lập Clever Mushroom không có ai sở hữu background liên quan đến kinh doanh. Nhưng đó chính là lý do startup đi tìm "cá mập" đồng hành.

Mặc dù bày tỏ ấn tượng với background khoa học của Trung Võ và Khuyên Nguyễn, Shark Bình cho biết khi đầu tư ông "thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học".

"Trong bộ gene của các nhà sáng lập thiếu bộ gene nhanh nhạy về kinh doanh và thực tế thị trường. Thị trường quá xa, công nghệ thì tôi chưa hiểu rõ, nên tại thời điểm này tôi chưa đầu tư", Shark Bình đưa ra quyết định.

Shark Minh Beta cũng nhận xét hai đại diện của Clever Mushroom là những nhà khoa học chân chính, startup rất đúng "trend" ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nhưng do tư duy quản trị doanh nghiệp và chiến lược chưa rõ nét, vị "cá mập" này cũng không đầu tư.

Hai tiến sĩ profile "khủng" khởi nghiệp với mô hình trồng nấm thông minh, Shark Bình: "Tôi thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học" - Ảnh 3.

"Sản phẩm các bạn đang nghiên cứu rất lãng mạn, đầy đam mê của những nhà khoa học, nhưng về tính thực tiễn trong nông nghiệp thì tôi cũng không giúp được, nên tôi không đầu tư", Shark Phạm Thanh Hưng là người tiếp theo từ chối.

Đối với Shark Lê Hàn Tuệ Lâm, cô cho biết nếu startup phát triển sản phẩm ở Việt Nam và có bước tiến sau 1 năm nữa thì có thể ra deal, còn hiện tại chưa phải thời điểm phù hợp để đầu tư.

Shark Lê Hùng Anh là "cá mập" duy nhất tham gia đàm phán với Clever Mushroom. CEO BIN Corporation Group đưa ra 2 lựa chọn: đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần và 200.000 USD cho vay chuyển đổi; hoặc 300.000 USD cho 30% cổ phẩn.

Trung Võ cho biết vào tháng 7 năm ngoái, Clever Mushroom đã được đầu tư 400.000 USD với định giá 2 triệu USD, nên deal 300.000 USD cho 30% cổ phẩn là downround. Vì vậy, họ đề nghị 300.000 USD cho 15% cổ phần cộng thêm 5% cổ phần thưởng, tức là định giá cao hơn vòng trước.

Shark Hùng Anh tiếp tục đàm phán 300.000 USD cho 15% cổ phần, cộng thêm 8% cổ phần thưởng, đồng thời cam kết có thể hỗ trợ startup rất nhiều.

Tuy nhiên, Clever Mushroom đề nghị lại là 300.000 USD cho 15% cổ phần và 6,5% cổ phần thưởng. Cuối cùng, Shark Hùng Anh đồng ý với deal này, khép lại một thương vụ thành công.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên