Shark Bình kể về "long mạch đầu đời" năm 19 tuổi, tiết lộ lý do trở thành "cá mập"
Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, sự kiện mang tính bước ngoặt đầu tiên, giúp ông tìm ra được "long mạch đầu đời" đã đến vào năm 19 tuổi.
- 28-11-2023Hai anh em cựu sếp Lazada startup lỗ "sương sương" 700 triệu đồng/tháng, đi vay 96 tỷ khiến Shark Bình cảm thán: Phí cao, thu tiền lẻ, liệu có giàu?
- 14-11-2023Nữ founder người Pháp đem sản phẩm quần lót đặc biệt lên Shark Tank, giá 700.000 đồng sử dụng suốt 5 năm: Shark Bình "wow" từ cái nhìn đầu tiên!
- 10-11-2023Tiktoker Long Chun sau thương vụ 2 tỷ trên Shark Tank: Shark Bình đã ghé Một Buổi Sáng ăn bún thang, nếu lương duyên không thành tụi em vẫn "happy"
"Có thể nói đó là sự kiện mang tính bước ngoặt đầu tiên của tôi, giúp tìm ra được long mạch đầu đời: đấy là tham dự các cuộc thi về công nghệ thông tin. Thành tích đó trở thành nền tảng tối quan trọng trong việc hỗ trợ cho khởi nghiệp", Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình cho biết trong một video hậu trường chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6.
Sự kiện mà ông đề cập là cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000. Đây là cuộc thi về sản phẩm phần mềm tin học, nhằm phát hiện và khuyến khích các tài năng trẻ sáng tạo, phát triển những sản phẩm công nghệ thông tin có tính sáng tạo và tính ứng dụng cao trong cuộc sống, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cuộc thi do báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam và FPT phối hợp tổ chức.
Ở tuổi 19, sinh viên Nguyễn Hòa Bình cùng người bạn đồng hành là Bạch Hưng Nguyên (khi đó 20 tuổi) đã giành giải ba cuộc thi Trí tuệ Việt Nam năm đầu tiên, với sản phẩm "Xây dựng một tổ hợp dịch vụ giải trí trực tuyến kết hợp thương mại điện tử và cộng đồng người dùng trên mạng Internet".
Shark Bình cho biết sản phẩm mà ông đem đi dự thi "rất tân tiến vào thời điểm đó".
"Năm 2000, có thể nói Internet là một khái niệm rất mới ở Việt Nam. Chưa có Internet di động, Internet cố định rất chậm, chưa có đường truyền tốc độ cao như hiện nay. Vậy mà thời điểm đó tôi đã phát triển hệ thống có thể nói là một trong những phần mềm nghe nhạc đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời có định hướng hoạt động trên Internet.
Đó là phần mềm cho máy tính, có thể nghe nhạc offline, thậm chí online thông qua những giao thức Internet rất cổ điển. Sau thành tích ấy, tôi tiếp tục phát triển phần mềm đó thành phần mềm gọi điện thoại online (qua Internet), sau đó nữa là điện thoại truyền hình qua Internet, giống như Facetime", Shark Bình kể lại.
Những nỗ lực phát triển sản phẩm đã đem lại cho ông khoảng 30 giải thưởng khác nhau trong suốt 4 năm sinh viên.
"Long mạch đó đã trở thành nền tảng để khởi nghiệp với PeaceSoft và NextTech", Shark Bình nhìn nhận.
Chia sẻ trong chương trình "Quốc gia Khởi nghiệp" của VTV hồi năm 2018, Chủ tịch NextTech còn cho biết việc liên tục tham gia các cuộc thi và đạt nhiều giải thưởng đem lại cho ông một loại vốn: vốn về uy tín và kinh nghiệm.
"Các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu biết đến tiếng tăm của mình. Tôi còn nhớ hợp đồng đầu tiên, lần đầu tiên kiếm được tiền, là một hợp đồng xây dựng hệ thống phần mềm quản lý. Tôi kiếm được khoảng 2 triệu đồng, tương đương gần 200 USD. Với số vốn này, thay vì ăn chơi, không hiểu sao tại thời điểm đó tôi nghĩ rằng mình cần phải lập doanh nghiệp", Shark Bình hồi tưởng.
Khi được hỏi phần mềm mang đi tham dự các cuộc thi có được ứng dụng thực tế hay không, "cá mập" của Shark Tank Việt Nam cho biết tại thời điểm đó, mặc dù phần mềm làm ra tốt, ý tưởng hay và đi trước thời đại, nhưng không có vốn đầu tư để thuê server, thuê nhân viên phát triển kinh doanh.
"Các tác phẩm và công trình đó, mặc dù nhận được rất nhiều giải thưởng nhưng lại chết yểu, không thương mại hóa được. Vì vậy, tôi ấp ủ ước mơ về sau này, nếu có tiền mình sẽ đầu tư trở lại cho giới trẻ để thương mại hóa các sản phẩm của họ, đỡ rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc như tôi thời điểm đó. Đấy chính là lý do tôi trở thành Shark ngày hôm nay", Shark Bình cho hay.
An ninh tiền tệ