MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai yếu tố tác động đến lãi suất huy động nửa cuối năm 2024

23-07-2024 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi xuống vùng thấp lịch sử (trong quý I/2024), lãi suất huy động đã tạo đáy và đi lên trong quý II với mức tăng khoảng 20 – 45 điểm cơ bản so với đáy ở các kỳ hạn 1-12 tháng. Giới chuyên môn dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng khi áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu và cầu tín dụng phục hồi.

Trước diễn biến căng thẳng của tỷ giá trong suốt quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái can thiệp ổn định tỷ giá, như: điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở, kết hợp với việc tăng lãi suất OMO, tín phiếu (đạt 4,5% vào cuối tháng 6) với mục đích giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế các giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất (carry trade)…

Những động thái này đã đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bật tăng và biến động quanh vùng 4 – 5,5%/năm. Tính đến ngày 28/6, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 1 tháng và 3 tháng lần lượt đạt 4,39%/năm, 4,89%/năm, 4,77%/năm và 5,34%/năm (+344 điểm cơ bản (bps), +270 bps, +297 bps và +94 bps so với đầu năm).

Cùng chung diễn biến, lãi suất huy động tăng trở lại trong quý II/2024. Cụ thể, sau khi xuống vùng thấp lịch sử trong quý I/2024, lãi suất huy động đã tạo đáy và đi lên khoảng 20 – 45 bps so với đáy ở các kỳ hạn 1-12 tháng. Điều này đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, cũng như tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trong quý II/2024 (tăng thêm 4,2 điểm % so với quý I/2024).

Trong đó, lãi suất huy động bình quân 12 tháng các nhóm NHTM cổ phần lớn (ACB, MB, VPBank, Techcombank) và nhóm NHTM khác lần lượt đạt 4,75%/năm và 5,00%/năm (+35bps và +44bps từ đáy), trong khi nhóm NHTM có vốn nhà nước vẫn đi ngang ở mức 4,68%/năm.

Với lãi suất cho vay, do chênh lệch kỳ hạn và thường có độ trễ hơn so với diễn biến của lãi suất huy động, song xu hướng giảm vẫn tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Theo NHNN, tính đến tháng 4/2024, lãi suất bình quân của các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3 – 9,5% (giảm 1 điểm % so với cuối năm 2023).

CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, sau khi đã tạo đáy trong quý I/2024, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng. Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia của VCBS cho rằng, trước áp lực tỷ giá thường trực, nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, NHNN có thể sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn các công cụ điều hành liên quan đến lãi suất với các quyết định chính sách tiền tệ khi nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn dự báo; đồng thời, lãi suất huy động tăng cũng đảm bảo sức hấp dẫn của đồng VND. “Mức tăng được kỳ vọng khoảng 50-100 điểm cơ bản và chưa tạo ra cuộc đua lãi suất giữa các NHTM khi niềm tin tiêu dùng chưa thực sự hồi phục, hấp thụ tín dụng vào nền kinh tế chậm rãi”, VCBS dự báo.

Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam (KBSV) đưa ra nhận định: “lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy COVID-19 giai đoạn 2020-2021”.

Theo các chuyên gia của KBSV, các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm bao gồm:

Thứ nhất, tỷ giá trong quý III/2024 vẫn sẽ có các biến động trồi sụt, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại. Theo đó, NHNN vẫn sẽ duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế carry trade, song song với nghiệp vụ bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm NHTM tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.

Thứ hai, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 trước những động lực chính bao gồm: (i) Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; (ii) sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; (iii) thị trường bất động sản khởi sắc. Trên thực tế, tín dụng trong quý II/2024 đã ghi nhận sự cải thiện, tính đến ngày 30/6 đạt 6% (xét riêng quý II/2024 tín dụng tăng thêm 4,6 điểm %), chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.

Cùng với xu hướng tăng của lãi suất huy động, giới chuyên môn cũng dự báo, lãi suất cho vay đã tạo đáy, dự báo sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay đã giảm xuống thấp tương đối so với mức đỉnh cuối năm 2022 theo chủ trương hạ lãi suất hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính Phủ và NHNN. Tuy nhiên với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn, các chuyên gia của KBSV cho rằng, lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm.

Dẫu vậy, KBSV cho rằng, mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào. Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là một vấn đề cần lưu tâm khi bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã bị thu hẹp đáng kể, trong khi Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024 có thể khiến nhiều khách hàng bị nhảy nhóm nợ, khiến lãi suất cho vay phải được điều chỉnh hợp lý để cân đối với rủi ro của khách hàng.

Kết quả của cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2024”, vừa được Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố cho biết, nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên, tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ lãi suất huy động so với cuối năm ngoái. Các TCTD cũng dự kiến giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về huy động vốn, kết quả điều tra cho biết, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024, điều chỉnh cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.

Theo Đoàn Băng

Thị trường tài chính tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên