Hầm xuyên lưng chừng núi - hạng mục "khó nhằn" trên cao tốc Bắc Nam được thi công như thế nào?
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là hầm có địa hình, địa chất phức tạp nhất trong số hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc Nam.
- 11-10-2023Hơn 500km đường cao tốc Bắc-Nam đã được đưa vào khai thác trong năm 2023
- 10-10-2023Bộ Giao thông vận tải kiểm tra đột xuất các gói thầu liên quan AIC, cao tốc Bắc-Nam
- 08-10-2023Các dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công ra sao?
Sau hơn 15 tháng thi công, hầm Thần Vũ thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trên tuyến cao tốc Bắc Nam đã chính thức hoàn thành và thông hầm (giai đoạn 1) vào ngày 14/10 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng tạo thuận lợi trong công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư, vật liệu trên toàn tuyến, đảm bảo dự án về đích đúng tiến độ đề ra.
Hầm Thần Vũ có có vốn đầu tư 1.350 tỷ đồng với tổng chiều dài 1,13 km xuyên qua núi Thần Vũ, phía Bắc thuộc huyện Diễn Châu và phía Nam thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Hạng mục này được thiết kế với quy mô 2 hầm riêng biệt, chiều rộng mỗi hầm là 13,78m, khoảng cách 2 tim hầm là 45m.
Được biết, giai đoạn 1 xây dựng hoàn chỉnh ống hầm nhánh phải để khai thác 2 chiều, xây dựng vỏ hầm và hệ thống thoát nước ngầm cho ống hầm nhánh trái. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện toàn bộ hầm theo quy mô hoàn chỉnh với 6 làn xe cơ giới.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Sơn Hải, Chỉ huy trưởng thi công bắc hầm Thần Vũ, Công ty TNHH Hòa Hiệp, cho biết cơ quan chuyên môn đánh giá hầm có địa hình, địa chất phức tạp nhất trong số hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc Nam.
Hầm nằm ở lưng chừng núi chứ không phải ở chân núi như các hầm khác. Hầm bên trái nằm cạnh khe suối, có nhiều mạch nước ngầm. Khu vực này địa chất yếu, đá phong hóa mạnh, rời rạc. Phía nam hầm toàn đất chứ không phải đá, sai khác với hồ sơ thiết kế ban đầu.
"Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lúc làm từ 2 mũi phía nam hầm đến gần vị trí hợp long thì gặp phải đới địa chất yếu, nếu không thận trọng rất dễ xảy ra sự cố sạt trượt", ông Hải nói.
Dó đó, trong quá trình thi công, hầm Thần Vũ được đào từ 2 phía. Đất đá sau khi đào được dọn ra ngoài, đơn vị thi công ghim một lớp thép trên nóc hầm, đặt miếng đệm sắt, siết chặt đai ốc để làm kết cấu chống đỡ. Mái hầm thi công đến đâu sẽ được phun bê tông tươi gia cố chắc đến đó.
Trong quá trình thi công, bên trong hầm nhiều lần gặp sự cố sạt trượt, hàng trăm khối đất đá tràn xuống.
Mỗi lần sạt trượt, các kỹ sư, công nhân phải điều máy móc phun bêtông bịt kín toàn bộ vị trí sạt, sau đó đóng ống, bơm xi măng vào để biến toàn bộ khối rời thành một khối đá nhân tạo, sau đó mới đào tiếp.
Hầm được thiết kế vĩnh cửu, vỏ bằng bê tông cốt thép, thi công theo phương pháp của Áo giúp linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ truyền thống.
Phụ nữ số