MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực?

28-01-2021 - 08:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực?

Ngân hàng được nhận định là "tay chơi lớn" ở cả vai trò nhà phát hành lẫn tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất thời gian qua.

Năm 2020, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp được cho là một trong những nghiệp vụ mang lại nguồn thu tích cực cho nhiều ngân hàng.

Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực? - Ảnh 1.

Đầu tư trái phiếu, ngoại hối được cho là 2 lĩnh vực đóng góp nguồn thu ngoài lãi tích cực cho nhiều ngân hàng năm 2020

Ở góc độ nhà phát hành, việc phát hành trái phiếu cũng giúp các nhà băng tăng vốn cấp 2. Song song ở góc độ tổ chức cung cấp vốn, qua các hình thực tài trợ vốn ở các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng cũng được tính vào dư nợ tín dụng đáng kế.

Song hoạt động này cũng được đánh giá có nhiều rủi ro do lợi suất trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua quá cao so với lãi suất huy động ngân hàng, chất lượng của các tổ chức phát hành trái phiếu chưa được xếp hạng tín nhiệm đầy đủ bởi các tổ chức xếp hạng độc lập, thông tin chưa minh bạch... Rủi ro này có thể đến với cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn các tổ chức đầu tư, không loại trừ ngân hàng. Và điều này dẫn đến những văn bản pháp lý như Nghị định 81/2020/NQ-CP siết thị trường trái phiếu, hay Nghị định 153/2020/NĐ-CP nhằm cân bằng và có phần "cởi trói" bớt cho thị trường trái phiếu trước đó khựng lại, đã liên tiếp được ban hành.

Lại nói ở phía ngành ngân hàng, nhằm giúp bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời giúp quản lý các hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ, Ngân hàng Nhà nước từ tháng 10/2020 đã triển khai lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo NHNN, dự thảo thông tư này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD.

Trong dự thảo này, có quy định hạn chế "Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác". Tại Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu và thực hiện báo cáo phân tích: Như vậy, quy định này sẽ không cho phép các ngân hàng mua trái phiếu do các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phát hành nhằm huy động vốn rồi dùng số tiền đó để góp vốn vào công ty con. "Tại bản thuyết minh, cơ quan soạn thảo cho rằng việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác sẽ khiến cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án", nhóm chuyên gia đánh giá.

Cũng theo báo cáo, "lo ngại này là chính đáng nhưng hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua các biện pháp trong hợp đồng hoặc điều khoản trái phiếu. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác phải cam kết trong điều khoản trái phiếu về quyền của người nắm giữ trái phiếu được phép kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án tại công ty con. Làm như vậy sẽ vẫn giúp bảo đảm quyền giám sát của ngân hàng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tập đoàn kinh tế đa ngành". 

Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực? - Ảnh 2.

VietinBank là một trong những nhà băng đã rất tích cực phát hành trái phiếu năm qua

Cùng với quy định dự thảo dự kiến hạn chế các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp chưa phù hợp, báo cáo cũng đề cập đến một quy định khác thiếu thân thiện trong việc khuyến khích phát triển mô hình Tập đoàn tư nhân đa ngành. Đó là quy địnhvề hạn chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được sửa đổi trong năm 2020.

"Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm chống lại tình trạng chuyển giá thuế thu nhập doanh nghiệp ra nước ngoài. Khoản 3 Điều 8 của Nghị định hạn chế mức chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết của một doanh nghiệp không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Quy định này áp dụng với cả các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty trong giao dịch. Như vậy, trường hợp công ty mẹ vay tiền từ ngân hàng rồi cho công ty con vay lại như trên sẽ bị điều chỉnh bởi khoản 3 Điều 8 này và các bên sẽ không còn được linh hoạt quyết định về lãi suất của giao dịch. Rõ ràng, quy định này đã không thực sự đúng với chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành. Sau khi sửa đổi, hạn mức khống chế chi phí lãi vay đã được nâng lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của khoản vay", các chuyên gia phân tích.

Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ quan điểm chỉ đạo là "Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu." Mô hình hoạt động thường thấy của một tập đoàn kinh tế tư nhân là có một công ty mẹ đóng vai trò đầu tư và cấp vốn cho các công ty con (có thể gọi là công ty tối cao, công ty holding), các công ty con sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực hoặc sẽ phụ trách một dự án cụ thể. Tuỳ vào nhu cầu quản trị và phân bổ rủi ro, tập đoàn có thể sẽ có thêm một số công ty trung gian giữa công ty tối cao và công ty trực tiếp sản xuất kinh doanh. Trong mô hình này, công ty mẹ dựa vào uy tín và quy mô của mình, thường đảm nhận vai trò huy động vốn từ nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính sau đó tái cấp vốn cho các công ty con non trẻ thường rất khó được vay vốn.

Như vậy, nếu không thực sự khắc phục được hai quy định pháp luật chưa có tính khuyến khích về cơ hội vốn, việc tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp mẹ-con phát triển thực sự lên quy mô tập đoàn sẽ còn vướng những hạn chế nhất định.

Với riêng về trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia Tài chính ngân hàng cũng cho rằng mỗi quy định cụ thể trong dự thảo Thông tư hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước, còn tồn tại những bất cập khác. TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia Ngân hàng từng khuyến nghị "NHNN cần xem xét, sửa đổi hoặc bỏ quy định này, tạo điều kiện cho TCTD quyết định mua trái phiếu hay không chỉ cần dựa vào những quy định liên quan còn lại trong dự thảo". Hơn thế, chính các tổ chức tín dụng cũng không ai có thể đưa ra đảm bảo chắc chắn rằng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mà ngân hàng mua là thuộc đơn vị  sẽ trả được nợ gốc và lãi trong tương lai, qua đó mới có quyết định giao dịch. "Nếu mà ngân hàng chắc ăn được như vậy thì ngành đã không có những khái niệm như trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nợ, cơ cấu nợ v.v", một chuyên gia nói.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên