Hạn chế rút BHXH một lần: Tuổi nghỉ hưu quá cao
Ngoài lý do gặp khó khăn về kinh tế, người lao động không an tâm với chính sách BHXH một lần, tuổi nghỉ hưu cao và chế độ hưu trí chưa hấp dẫn.
- 11-08-2023Hạn chế rút BHXH một lần: Nên thay đổi cách tính lương hưu
- 24-07-2023Hạn chế rút BHXH một lần: Tránh gây sốc!
- 12-06-2023Chính phủ yêu cầu có giải pháp hạn chế số người lao động rút BHXH một lần
Tại hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, chia sẻ việc hưởng BHXH một lần sớm là xu thế không nằm ngoài dự đoán bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này hầu hết lao động trẻ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Một phần cũng vì áp lực tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ…) nên số lượng người hưởng BHXH một lần ở độ tuổi lao động trẻ chiếm tỉ trọng lớn so với độ tuổi khác.
Tiếp xúc với chúng tôi, số đông NLĐ cho biết ngoài lý do gặp khó khăn về kinh tế, họ không an tâm với chính sách BHXH một lần, tuổi nghỉ hưu cao và chế độ hưu trí chưa hấp dẫn. Đơn cử, một công nhân ở quận Bình Tân, TP HCM cho biết cũng từng hưởng BHXH một lần sau 4 năm tham gia. Hiện nay ông đã đóng BHXH được 17 năm và rất muốn tham gia lâu dài để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, ở độ tuổi 47, sức khỏe giảm sút, ông không đoán trước được còn giữ được việc làm bao lâu. Trong khi chờ đến đủ 62 tuổi để hưởng lương hưu quá dài. Do vậy, ông mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu để có thể được hưởng lương hưu nhằm có thu nhập khi về già.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Theo bạn đọc Vũ Hoàng, cách tính lương hưu chưa hợp lý. Tính trung bình nhiều năm nhưng hệ số trượt giá quá thấp, không đủ bù lạm phát, đồng tiền mất giá. "Đề nghị hệ số trượt giá khi tính lương hưu bằng lãi suất ngân hàng trung bình của các năm do NHNN huy động vốn. Chứ lãi suất ngân hàng thì 8-10% mà trượt giá chỉ 2% thì lương hưu thấp là tất yếu" – bạn đọc này mong mỏi.
Tương tự, bạn đọc Mỹ Bình bày tỏ: "Bất kỳ ai cũng không muốn thất nghiệp để rút BHXH 1 lần. Nhưng làm công ty ngoài nhà nước thì họ muốn sa thải người lớn tuổi, nhận người trẻ nên người lao động mới rút BHXH một lần. Ai cũng muốn về già có lương hưu nhưng chế độ cần hấp dẫn để người lao động ở lại với hệ thống BHXH". Bạn đọc Công Nguyên phân tích thêm: "Người sử dụng lao động thường đóng BHXH cho người lao động ở mức lương thấp nhất để giảm bớt số tiền đóng góp cho ngành BHXH, nên khi nghỉ hưu lương hưu quá thấp đấy cũng là một trong những lý do NLĐ rút BHXH một lần".
Tại các buổi góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, nhiều cán bộ Công đoàn đề xuất cần giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH mới được ban hành. Đối với người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thì có thể cho phép rút phần NLĐ đóng hoặc 50% số tiền đóng của cả NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.
Một cán bộ Công đoàn tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM), cho hay trước khi có quy định về lương tối thiểu vùng, lương đóng BHXH của người lao động rất thấp nên khi tính lương hưu là bình quân mức đóng cả quá trình tham gia BHXH mức lương hưu mà người lao động nhận được không đủ sống. "Tôi đề nghị nên thay đổi cách tính lương hưu với người lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước theo hướng người tham gia BHXH trước năm 2014 sẽ tính lương hưu là bình quân của 20 năm tham gia cuối cùng. Với những người tham gia BHXH từ năm 2015 sẽ tính trên cả quá trình đóng. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam là đóng 17 năm được hưởng 45% (hiện nay 20 năm đóng được hưởng 45%) nhằm đảm bảo sự công bằng so với cách tính của lao động nữ"- vị cán bộ Công đoàn này đề xuất.
nld.com.vn