MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc đã xây dựng “kỳ tích công nghiệp ô tô” từ số 0 như thế nào?

Từ khi còn một nước vô danh trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, Hàn Quốc đã tham vọng đứng ngang hàng cùng với những cường quốc như Nhật, Mỹ và châu Âu. Sau hơn 50 năm họ đã làm được điều đó với công đầu thuộc về nhà lãnh đạo Park Chung Hee, các nhà hoạch định chính sách, và trong sự đổi mới tư duy của các tập đoàn kinh tế lớn nước này.

Thuở sơ khai

Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc được ra đời vào năm 1962 với việc chính phủ Hàn Quốc ban hành "Chính sách khuyến khích ngành công nghiệp ô tô" và "Đạo luật bảo vệ ngành công nghiệp ô tô". Chỉ có 3 công ty thành lập trong năm này bao gồm "Kyeongseong Precision Industry" - tiền thân của KIA, "Dongbang" - tiền thân của SsangYong, công ty sản xuất ô tô lớn thứ 4 của Hàn Quốc hiện nay và "Saenara" hãng xe được thành lập dựa trên sự hợp tác công nghệ với Nissan Motor.

Năm 1965 chính phủ Hàn Quốc công bố "Kế hoạch nội địa hóa 3 năm ngành ô tô" với mục tiêu tới năm 1967 sẽ có 90% xe tại Hàn Quốc được sản xuất bởi các công ty nội đia. Cho tới năm 1968 thì nhà sản xuất xe số 1 Hàn Quốc hiện nay là Hyundai mới được thành lập.

Chính quyền tổng thống Park Chung Hee khi ấy đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc rằng phải theo kịp với các nhà sản xuất Nhật Bản, tạo ra những mẫu xe mang thương hiệu quốc gia, kết hợp với các nhà cung cấp quốc gia được chuyển nhượng công nghệ nước ngoài. Chính những yêu cầu mà tổng thống Park đặt ra cho các "Chaebol" nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng đã lật ngược trục tư duy của các nhà hoạt động chính sách. Chính sách mới sẽ ưu tiên cho các tập đoàn lớn - các nhà cung ứng rồi sau đó mới là thị trường tiêu thụ.

Tuy rằng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngành ô tô Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với những khó khăn song hành của nền kinh tế quốc gia như yếu kém về mặt công nghệ, hạn chế về nhân lực, thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ và các ngành công nghiệp liên kết cũng chưa phát triển.

Vấn đề về mặt công nghệ là khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ. Để bắt kịp với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới chính phủ Hàn Quốc đã bắt buộc các tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường thông qua con đường liên doanh liên kết. Nhờ đó mà các tập đoàn ô tô Hàn Quốc từng bước nắm bắt công nghệ cao của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật và Châu Âu. KIA là sự liên kết của Kyeongseong và Mazda năm 1964, còn Hyundai hợp tác với Ford năm 1968.

Năm 1975, sự ra đời của chiếc Hyundai Pony- xe đầu tiên 100% xuất xứ tại Hàn Quốc đã đánh dấu một trang sử mới cho nền công nghiệp ô tô của nước này.

Song song với việc tiếp nhận công nghệ cao, các nhà sản xuất Hàn Quốc học hỏi theo quy trình "hệ thống sản xuất tức thời (Just-in-time)" và "sản xuất tinh gọn (Lean production)" Loại hệ thống mới này giúp các công ty ô tô Hàn Quốc hoàn thiện sự kiểm soát của họ qua các nhà thầu phụ và các nhà cung cấp. Họ thường khuyến khích các nhà thầu phụ hoặc nhà cung cấp của họ xây dựng cơ sở gần nhà máy, và một số công ty ô tô sẽ đưa các nhà thầu phụ và nhà cung cấp của họ theo cùng với họ bất kể họ xây dựng nhà máy ở trong nước hay ở nước ngoài.

Cách làm này giúp công ty giảm chi phí của các bộ phận, đòi hỏi chi phí đầu tư thấp hơn, cải thiện chất lượng của các bộ phận và rút ngắn thời gian giao hàng đáng kể. Thêm vào đó, quy trình này còn tăng cường sự liên kết giữa các ngành công nghiệp. Một phần ba sản lượng cao su của Hàn Quốc được tiêu thụ trong ngành công nghiệp ô tô. Lao động chuyên môn cao được đào tạo và công nghệ phát triển trong ngành công nghiệp ô tô được sử dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất tương tự khác.

Ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp mũi nhọn khác của Hàn Quốc dựa trên những lao động và công nghệ được phát triển ban đầu từ ngành công nghiệp ô tô. Cả ngành công nghiệp ô tô và đóng tàu đều giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Hai ngành công nghiệp lớn nhất ở Hàn Quốc có liên quan chặt chẽ đến sản xuất và họ đều có trình độ công nghệ tiên tiến bằng cách bổ sung lẫn nhau bằng nhiều cách. Các ngành công nghiệp khác, như vận tải, và sản xuất nguyên liệu, cũng đang phát triển cùng với ngành công nghiệp ô tô.

Hàn Quốc đã xây dựng “kỳ tích công nghiệp ô tô” từ số 0 như thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở khổng lồ của Hyundai bên cạnh cảng Ulsan

Bước ra thế giới

Thị trường nội địa vốn nhỏ hẹp nhanh chóng bị lấp đầy bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất ô tô và người Hàn đã có thể tính đến việc xuất khẩu ra nước ngoài. Mẫu xe Pony của Hyundai cũng chính là mẫu xe đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới đến khi thâm nhập vào thị trường các nước Nam Mỹ bao gồm Colombia, Venezuela trong những năm 1976-1982. Năm 1986 Hyundai thâm nhập vào thị trường Mỹ với mẫu xe Excel và nhanh chóng được ghi nhận là hãng bán được nhiều xe nhất trong năm tài khóa đầu tiên tại thị trường Mỹ với 126 nghìn xe.

Kỉ lục này không bảo đảm cho sự thành công của Hyundai khi mẫu xe Excel được sản suất với chất lượng thấp, thường xuyên hỏng hóc và ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà sản xuất này tại thị trường xe lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thực tế đó đòi hỏi Hyundai phải tiếp tục thay đổi công nghệ, thay đổi thiết kế cũng như công năng của xe để đáp ứng tới những thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu. 

Tuy vậy, ngành công nghiệp ô tô của Hàn chỉ thực sự chuyển mình sau biến cố khủng hoàng tài chính năm 1997. Sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế đã buộc các tập lớn phải rút lui khỏi những dự án lan man để tập trung vào những dự án mang lợi ích dài hạn.

Cuộc khủng hoàng còn châm ngòi cho làn sóng tái cơ cấu: Hyundai mua lại 51% cổ phần của KIA Motors để tiếp quản tập đoàn này, Renault mua lại Samsung Motors với tầm nhìn về việc xuất khẩu toàn cầu, còn Daewoo Motors thâu tóm Ssangyong trước khi tập đoàn này sụp đổ…Nhờ sự cải tổ về công nghệ, thiết kế cũng như cách thức vận hành,ngành công nghiệp ô tô đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng, trở lại và đạt được thành công ở những thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ.

Hàn Quốc đã xây dựng “kỳ tích công nghiệp ô tô” từ số 0 như thế nào? - Ảnh 2.

Khung cảnh trong xưởng lắp ráp tự động của Hyundai

Ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc đứng thứ năm toàn cầu trong việc sản xuất xe hơi và đứng thứ sáu toàn cầu về số lượng xe xuất khẩu. Ngành công nghiệp ô tô là một trong những thành phần quan trọng nhất của nền kinh tế này khi tạo ra hơn 10% số lượng việc làm so với cả nền kinh tế. Năm 2013, doanh số xuất khẩu của ô tô và phụ tùng ô tô đạt 74.7 tỉ USD chiếm tới 13.4% giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế Hàn Quốc, và ngành công nghiệp ô tô cũng là ngành đóng thuế nhiều nhất với 15,1% trên tổng thuế quốc gia và thuế địa phương.

Hàn Quốc đã xây dựng “kỳ tích công nghiệp ô tô” từ số 0 như thế nào? - Ảnh 3.

Sản lượng xuất khẩu xe của Hàn Quốc theo khu vực

Thách thức

Sự phát triển của ngành ô tô Hàn Quốc có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây cả về doanh số tại thị trường nội địa cũng như doanh thu xuất khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất xe Hàn Quốc (KAMA) thì nửa đầu năm 2017 sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,23 triệu xe, mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Lượng bán ra tại thị trường trong nước đạt 785 nghìn xe, giảm 4% so với cùng kì năm 2016. Doanh thu sụt giảm từ cả 2 thị trường dẫn đến sản lượng ô tô ghi nhận mức thấp nhất kể từ sau 2010.

Cuộc cạnh tranh trong tương lai được dự đoán còn khó khăn hơn cho ngành ô tô Hàn Quốc khi họ có vể chưa bắt nhịp với sự dịch chuyển lớn trong ngành ô tô thế giới- công nghệ "xanh". Toyota lên kế hoạch ngừng sản xuất hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong từ 2050, GM mang tham vọng thiết kế xe điện chạy được 320km/ 1 lần sạc còn Volkswagen sau scandal thiết bị gian lận khí thải cũng đã định hướng xe điện sẽ là tương lai của hãng. 

Thực tế, giá của pin là một nửa giá cả của một chiếc xe điện, trong khi những hãng công nghệ của Hàn Quốc lại nắm giữ những công nghệ hàng đầu về pin Lithium. Nếu tận dụng được lợi thế này, Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình trên bản đồ ô tô thế giới.


Theo H.G (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên