MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng chục triệu lượt hành khách đã bỏ đi xe buýt Hà Nội, dù giá vé vẫn "rẻ như cho". Đâu là lý do?

Lần đầu tiên trong nhiều năm sụt giảm về lượng khách vận chuyển dù mở rộng vùng phục vụ, năm 2015, bus Hà Nội mới lên tiếng về những khó khăn trong ngành thay vì lời khẳng định đã “giữ sản lượng vận chuyển ổn định” và “đảm bảo chỉ tiêu” như mọi năm.

Trong buổi sơ kết Quý 1, triển khai nhiệm vụ Quý 2/2016, đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội ( Transerco - Hanoibus) cho biết: Kết quả sản lượng vận chuyển hành khách xe bus của Tổng công ty Quý 1 năm 2016 đạt trên 82 triệu lượt khách.

Con số này đã giảm đáng kể so với mức 95,4 triệu lượt khách Quý 1 năm 2015.

Tính theo lượng vận chuyển khách/ngày, con số này đã giảm gần 160.000 lượt khách.

Sản lượng vận chuyển hành khách của Hanoibus đã liên tục giảm từ năm 2012. Báo cáo tổng kết các năm của Transerco đều cho rằng đơn vị này đã “giữ sản lượng vận chuyển ổn định” và “đảm bảo chỉ tiêu”.

Sản lượng vận chuyển hành khách của Transerco từ năm 2010 đến nay. Nguồn: Transerco.

Sản lượng vận chuyển hành khách của Transerco từ năm 2010 đến nay. Nguồn: Transerco.

Chỉ đến năm 2015, khi mất mốc 400 triệu lượt khách (sản lượng vận chuyển năm 2015 là 370 triệu lượt), một vài lý do sụt giảm sản lượng mới được đưa ra.

Lý do được Hanoibus đưa ra

Lý do đầu tiên Hanoibus đưa ra cho sự sụt giảm này là tốc độ gia tăng nhanh của phương tiện cá nhân.

Thị trường xe máy Việt Nam đã bão hòa ở mức 3 triệu xe/năm. 2 loại hình phương tiện cá nhân có tăng là xe đạp/xe máy điện và ô tô.

Tuy nhiên, cần xem lại vai trò của xe bus. Ở các nước, xe bus cũng như các phương tiện giao thông công cộng có vai trò hạn chế phương tiện cá nhân. Còn ở Ở Việt Nam, xe bus không những không hạn chế được tốc độ gia tăng của phương tiện cá nhân, mà lại còn bị chính phương tiện cá nhân đe dọa và gây giảm lượng khách.

Lý do thứ 2 được đưa ra là giá xăng dầu liên tục giảm, khiến xe bus giảm tính cạnh tranh so với taxi, xe ôm, xe điện!?

Nếu giá xăng dầu giảm là lý do sụt giảm sản lượng hành khách, thì cùng xem lại thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh vào những năm 2013 - 2014.

Giá xăng Ron 92 giai đoạn này có giá cao nhất ở mức trên 25.000 đồng/lít, vào hồi tháng 7 năm 2014.

Nhưng sản lượng hành khách của xe bus Hà Nội vào năm 2013 – 2014 vẫn giảm dần đều so với năm trước đó, lần lượt ở mức 6 triệu/năm và 10 triệu lượt khách/năm.

Lý do cuối cùng được đưa ra là do vấn đề ùn tắc giao thông.

Ùn tắc giao thông được coi là “đặc sản” của Hà Nội từ nhiều năm trước.

Theo HĐND TP Hà Nội, trong năm 2015, nhờ đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo giao thông và tổ chức lại giao thông hợp lý nên Hà Nội đã giải quyết triệt để được 10 điểm ùn tắc giao thông. Cụ thể tại 2 nút giao thông quan trọng là hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa khi đưa vào hoạt động đã giải quyết triệt để ùn tắc tại đây.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 44 điểm ùn tắc nữa cần giải quyết, mà nguyên nhân chính do lưu lượng giao thông quá lớn, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém; các công trình thi công chiếm dụng phần lớn lòng đường.

Vậy là đang tồn tại nghịch lý: càng làm nhiều đường, đường càng ùn tắc nặng hơn và xe buýt càng ế hơn?

Lý do thực tế

Rõ ràng cả 3 nguyên nhân trên đều góp phần khiến xe buýt bị người Hà Nội thất sủng dần trong những năm gần đây, dù giá vé xe buýt vẫn "rẻ như cho".

Mấu chốt nằm ở hạ tầng giao thông đô thị. Hệ thống giao thông dường như vẫn chưa đáp ứng được quy mô quá lớn và tốc độ gia tăng quá nhanh đối với cả dân số và phương tiện cơ giới ở Hà Nội. Điều đó khiến xe buýt không thể giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân, đủ hấp dẫn để thay thế phương tiện cá nhân.

Khi hành khách từng đi xe buýt không cảm thấy đây là một phương tiện giao thông an toàn, thuận tiện và nhanh chóng nữa, người ta sẽ tìm đến các phương tiện khác như xe cá nhân, taxi, Uber/Grab hay thậm chí là xe ôm.

Đặt thử câu hỏi, trong khi dân số Hà Nội vẫn tăng nhanh qua các năm (cả tăng tự nhiên và tăng cơ giới), thì mấy chục triệu lượt hành khách không còn chọn đi bus trong những năm qua đã chọn phương tiện gì? Nếu tất cả chuyển sang sử dụng xe cá nhân, đủ để thấy thành phố chịu thêm áp lực quá tải đến mức nào?

Và chắc chắn, không thể không kể đến một số nguyên nhân khác liên quan đến văn hóa xe buýt, cũng khiến phương tiện này mất điểm trong mắt nhiều hành khách:

- Hiện tượng chen lấn, xô đẩy khi lên/xuống xe, đặc biệt là giờ cao điểm;

- Nhiều hành khách chưa có ý thức trong việc giữ vệ sinh - trật tự chung;

- Nạn móc túi, quấy rối vẫn lộng hành trên nhiều tuyến xe buýt;

- Hình ảnh những chiếc xe buýt chạy ẩu, lấn làn, xả khói đen hay trở thành "hung thần xa lộ"... cũng góp phần khiến xe buýt mất điểm trong mắt người dân thủ đô.

Hanoibus đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục càng tình trạng trên, như đưa vào vận hành hệ thống xe buýt tiêu chuẩn "5 sao", hay dự án làm xe buýt nhanh BRT nghìn tỷ... Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi giữa hiệu quả sử dụng và chi phí đầu tư của các dự án này.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên