MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng giả trên thương mại điện tử: Quản bằng cách nào?

24-04-2023 - 14:30 PM | Kinh tế số

Thị trường thương mại điện tử phát triển mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cùng với đó cũng tiềm ẩn những rủi ro đến từ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hàng giả trên thương mại điện tử- Quản bằng cách nào- - VTV.VN

Công ty TNHH Chis Việt Nam là đại lý phân phối độc quyền cho một công ty thực phẩm chức năng của Mỹ. Thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử xuất hiện nhiều sản phẩm tương tự, nhưng giá lại rẻ hơn gấp đôi, gấp 3 khiến doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

"Hiện nay, các sản phẩm collagen công ty chúng tôi phân phối đang được các đối tượng bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm này là hàng giả, hàng xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ", bà Vũ Lê Minh Chi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chis Việt Nam, cho biết.

Theo đại diện các sàn thương mại điện tử, những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thường sẽ không có tem chống hàng giả, bao bì, nhãn hiệu có thể bị mờ, giá thường rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Chính vì vậy, các sàn hầu hết đều có các giải pháp nhằm hạn chế vi phạm của các nhà cung cấp.

"Những người bán từ cá nhân đến tổ chức đều phải đăng ký chính danh với mã số thuế cá nhân. Điều đó sẽ cho phép chúng tôi thực hiện các biện pháp quản lý khi có khiếu nại của người tiêu dùng, hoặc chúng tôi phát hiện ra các gian dối của người bán hàng", ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tiktok Việt Nam, cho hay.

Hàng giả trên thương mại điện tử: Quản bằng cách nào? - Ảnh 1.

Những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thường sẽ không có tem chống hàng giả, bao bì, nhãn hiệu có thể bị mờ... (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Chúng tôi có những tính năng, công cụ giúp người mua hàng có thể chủ động báo cáo những trường hợp sai phạm về sản phẩm kém chất lượng. Từ đó chúng tôi sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm", bà Vũ Thanh Quỳnh, Giám đốc truyền thông Shopee Việt Nam, thông tin.

Trong 3 năm qua, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 9.000 vụ buôn bán hàng giả; xử phạt hành chính hơn 60 tỷ đồng các đối tượng vi phạm. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để quản lý chặt chẽ hơn nữa thị trường thương mại điện tử.

"Những quy định nào còn thiếu, còn hổng thì chúng tôi sẽ phải xây dựng, đề xuất và bổ sung ban hành. Thứ hai là tổ chức tập huấn, đào tạo cho lực lượng quản lý thị trường để có kiến thức, kinh nghiệm xử lý hành vi vi phạm cũng như ngăn chặn, phòng ngừa", bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhận định.

Bên cạnh nỗ lực của các sàn thương mại điện tử, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, nói "không" với hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi gặp phải các trường hợp có dấu hiệu là hàng giả, khách hàng cần gửi báo cáo, phản hồi ngay cho sàn. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình, cũng như góp phần tạo ra một môi trường mua sắm số lành mạnh.

Theo Hoàng Anh

VTV.VN

Trở lên trên