Cảnh báo chiếm đoạt tài sản khi giao thương qua các sàn thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng trên không gian mua-bán đặc biệt này, cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều đối tượng xấu – lợi dụng môi trường “ẩn ảo – online”, đã dùng các thủ đoạn, chiêu thức nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
- 18-04-2023Tại sao các trợ lý ảo như Siri, Alexa không thể bứt phá?
- 18-04-2023Elon Musk tuyên bố sẽ ra mắt TruthGPT
- 18-04-2023Cảnh báo: 1 mã độc vừa "len lỏi" vào 20 ứng dụng phổ biến và 100 triệu thiết bị Android!
Chị Nguyễn Thu Vân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một khách hàng tiếp cận hình thức mua sắm online từ rất sớm. Tuy nhiên, chị Vân thường mua sắm nội địa, thông qua các trang mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử thuần Việt. Các mức giá trung bình chị Vân chốt đơn hàng cao lắm cũng không vượt quá mức giá 500.000 đồng.
Trong một lần mạnh dạn mua sắm trên sàn Thương mại điện tử xuyên biên giới, chị Vân muốn chốt một đơn hàng siêu sale, có giá gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khâu hoàn tất đơn hàng, chủ gian hàng trên sàn zoshas.com yêu cầu phải cung cấp Mã CSC – là một trong những thông tin bảo mật cá nhân trên thẻ thanh toán do ngân hàng cung cấp, thì chị Vân cảm giác không yên tâm. Tham khảo ý kiến một người bạn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chị đã huỷ không mua mặt hàng này nữa.
Nếu không cẩn thận, những khách hàng như chị Vân có thể bị lừa lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng. Từ đó, chị Vân sợ mua sắm online, đến quyển sách chị cũng đi xem tận nơi, mua tận quầy.
“Mua trên mạng bây giờ nhiều lúc cũng tiện nhưng mà đến tận nơi có thể tận mắt được. Trên mạng thì trừ khi tôi đã biết rồi thì mới đặt mua hoặc những sản phẩm hand made, những địa chỉ phải biết rồi, tôi không mua linh tinh” - chị Vân chia sẻ.
Trên thực tế, hoạt động mua sắm online rất cần những khách hàng nhạy cảm như chị Vân, để hạn chế được nguy cơ bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản cá nhân. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu thương trường trực tuyến còn xuất hiện nhiều vụ việc tương tự thì khả năng “chóng chán”, hoặc “sợ” mua sắm online lại có nguy cơ xảy ra trên diện rộng, hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Ông Hà Anh Tuấn – một chuyên gia trong hoạt động thương mại điện tử khẳng định: “Thương mại điện tử đã thành thói quen. Tốc độ tăng trưởng của những năm tới, đặc biệt thương mại điện tử năm 2023 tôi cho là sẽ đột phát, ít nhất phải đạt trên 50%, như Tiktok chẳng hạn, sự tiếp cận đã phổ rộng hơn rất nhiều, nên tôi cho sẽ có số lượng đột phá về người mua”.
Các chuyên gia như ông Hà Anh Tuấn cũng cảnh báo nhiều chiêu thức, thủ đoạn đã và đang được các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản như.
Thủ đoạn thứ nhất: đối tượng sẽ lập tài khoản người bán trên sàn thương mại điện tử với thông tin giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh để tạo lòng tin với khách hàng. Sau đó, đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn niêm yiết từ 3-4 lần, cùng những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho”, đồng thời có sẵn nguồn hàng là các sản phẩm giả-nhái như đồ điện tử, điện thoại…
Khi người mua đặt đơn, thông tin cá nhân sẽ xuất hiện, đó có thể là địa chỉ liên lạc, số điện thoại, Zalo, Facebook… Các đối tượng này sẽ tìm cách dụ dỗ trực tuyến hoặc qua điện thoại để khác hàng chuyển khoản thanh toán hoặc đặt cọc. Khi đã nhận được tiền, các đối tượng này liền chặn liên lạc hoặc gửi hàng qua bưu điện hoặc người vận chuyện, nhưng sản phẩm thực tế sẽ không giá trị hoặc giả-nhái.
Thủ đoạn thứ 2, các đối tượng sẽ cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng, nhưng do đã có thông tin khách hàng, nên sẽ tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có gí trị. Các đối tượng sẽ tạo đơn vận chuyển đến người mua, thông qua các công ty logistic và hẹn giờ trả hàng vào khung giờ nhập nhoạng tối khiến khách hàng khó nhận diện hàng giả, hàng nhái; hoặc trả hàng vào giờ cao điểm công việc hành chính bận rộn - khách chỉ có thể nhận hàng và thanh toán vội vàng.
Thêm một thủ đoạn nữa, các đối tượng biết khách hàng có nhu cầu đổi trả đơn, sẽ liên hệ, nhận là nhân viên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ việc đổi trả, dụ dỗ khách bấm vào link lừa đảo, cung cấp thông tin cá nhân như thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu hoặc mã OTP). Tài sản của khách hàng có thể bị chiếm đoạt từ đây.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng có thể gửi tin nhắn hoặc gọi điện cho khách hàng với nội dung “Bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng” hoặc “Sinh nhật khách hàng thân thiết”… Để nhận được quà, phải trả thêm phí vận chuyển. Nhiều khách hàng sẽ tin, làm theo và bị chiếm đoạt tiền khi giao dịch online.
Thực tế, các đơn vị chức năng như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế, Bộ Công an… cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ, với nhiều hoạt động nhằm kiểm soát, minh bạch thị trường này. Tuy nhiên, như khuyến cáo của ông Nguyễn Bình Minh – Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thì “lá chắn” đầu tiên giúp hoạt động mua sắm online hiệu quả, cũng đồng thời góp phần lành mạnh hoá thị trường này, chính là kiến thức người tiêu dùng tự tìm hiểu về thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh đây vẫn được coi là lĩnh vực mới.
Ông Nguyễn Bình Minh khuyến cáo: “Người tiêu dùng có thể mày mò tự tìm hiểu khi thực hiện các hoạt động mua sắm trải nghiệm. Và nhiều khi phải tự vấn mình trước khi chốt đơn hàng, ví dụ, khi người ta quảng bá giá quá rẻ, rẻ hơn thị trường quá nhiều thì phải đặt vấn đề chất lượng sản phẩm, không thể có chuyện… Ví dụ như có những gian hàng mà người bán lâu lâu mới bán một loại mặt hàng thì liệu có đáng tin không. Khi chốt đơn hàng thì có bao giờ tự hỏi và thử kiểm tra mặt hàng này ở địa chỉ khác, để so sánh”.
Thương mại điện tử phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng chưa phải là đỉnh điểm, khi “tiềm năng – dư địa của ngành còn được nhận định có thể tăng trưởng tới 50%”. Đây rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho cả người mua, người bán, chắc chắn cũng sẽ có những kẽ hở cho gian thương trục lợi, lừa đảo.
Không có môi trường mua-bán nào là tuyệt đối lành mạnh. Để hạn chế gian thương và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tối đa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cần sự nỗ lực ngày càng nhiều của các cơ quan đơn vị chức năng. Cùng với đó, cần sự quan tâm, tiếp cận sớm, nhưng nên là tiếp cận và sử dụng có chọn lọc, có hiểu biết của người tiêu dùng nói chung, trên môi trường thương mại điện tử./.
VOV