Hàng hóa 'Made in Viet Nam': Không nên chỉ là công đoạn giản đơn tại Việt Nam
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn sản phẩm được dán nhãn “Made in Viet Nam” nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải quy định cụ thể để có thể hỗ trợ sản phẩm trong nước phát triển. Nếu sản phẩm gia công, đóng gói được dán nhãn “Made in Viet Nam” sẽ làm giảm năng suất sản xuất, giảm cạnh tranh.
- 19-07-2019Từ vụ Asanzo: Doanh nghiệp được sản xuất hàng "Made in the world"
- 18-07-2019Lại nóng chuyện Asanzo và ‘Made in Vietnam’
- 10-07-2019“Made in Việt Nam” đang bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng triệt để
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chỉ ra, quy tắc xuất xứ ưu đãi gồm 2 loại: ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và ưu đãi đơn phương của nước đang phát triển dành cho nước kém phát triển về thuế.
Việt Nam đã có quy định về quy tắc xuất xứ và thực hiện theo để đối chiếu sản phẩm có đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ hay không. Tuy nhiên, đối với tiêu chuẩn của hàng hóa được dán nhãn “Made in Viet Nam” thì Việt Nam chưa có. Do vậy, doanh nghiệp và người dân không biết hiểu như thế nào về sản phẩm “Made in Viet Nam”.
Theo bà Hương, trước tới nay, công đoạn gia công đơn giản chưa bao giờ thỏa mãn và đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ tại Việt Nam. Nếu quy định, sản phẩm gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam được dán nhãn “Made in Viet Nam” sẽ làm giảm năng lực sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Do đó, sắp tới nếu có quy định về sản phẩm đủ điều kiện ghi dãn “Made in Viet Nam” phải có quy định về xuất xứ hàng hóa trong đó.
“Nếu thỏa mãn công đoạn gia công đơn giản sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam không có khả năng cạnh tranh và không phát triển được. Các nước khác quy định chặt chẽ với sản phẩm trong nước được bảo hộ thông qua tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ”, bà Hương cho biết.
Cùng đó, đại diện VCCI dẫn chứng, sản phẩm thép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thép từ nước ngoài, qua giai đoạn cán nguội để cho ra sản phẩm thép hình và thỏa mãn quy định về chuyển đổi mã HS khi xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nước này quy định nơi xuất xứ cho sản phẩm phải thực hiện công đoạn cán nóng.
“Đây là một hình thức bảo hộ bằng quy định quy tắc xuất xứ. Quy định về quy tắc xuất xứ được xem như rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, trợ cấp của Chính phủ với mặt hàng quốc gia”, đại diện VCCI nói.
Bà Hương kiến nghị, Việt Nam hội nhập sâu rộng nên các quy định không chỉ dành riêng cho Việt Nam, phải phù hợp quy định quốc tế. Để sản phẩm dán nhãn “Made in Viet Nam” vừa đáp ứng thị trường trong nước và thoả mãn thị trường xuất khẩu. Theo quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương là nơi soạn thảo, ban hành quy định cụ thể về sản phẩm được dán nhãn “Made in Viet Nam”.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, xuất xứ hàng hóa định nghĩa cụ thể tại Điều 3.14 của Luật Thương mại năm 2005 với hai ý là nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản.
“Một sản phẩm có thể sản xuất ở nhiều nước nhưng quan trọng ở mức độ “chế biến cơ bản”. Ví dụ 99% sản phẩm hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc, thêm một vài thiết bị hoặc lắp ráp qua loa ở Việt Nam rồi nhận là xuất xứ của Việt Nam thì không được. Luật Thương mại 2005 định nghĩa “Xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó” mà không đề cập đến lắp ráp”, ông Quyền nói.
Tiền phong