Hàng hóa ngày 1/5: Vàng chạm mức thấp nhất 6 tuần trong khi dầu, đồng và đường tăng giá đồng loạt
Giá các hàng hóa hầu hết tăng trong phiên giao dịch đầu tuần này ngoại trừ vàng chịu áp lực bởi nhu cầu trú ẩn an toàn giảm sút.
- 28-04-2018Hàng hóa ngày 28/4: Gạo xuất khẩu Việt Nam tăng giá tuần thứ 5 liên tiếp, thép tăng cao nhất 7 tuần
- 27-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 27/4: Vàng quanh mức thấp nhất 5 tuần, thép tiếp tục lên giá
- 26-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 26/4: Vàng thấp nhất 5 tuần, đường giảm sâu
Dầu tăng sau cáo buộc của Thủ tướng Israel
Giá dầu tăng trong phiên đầu tuần sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel có bằng chứng rằng "Iran nói dối" về năng lực hạt nhân và ông chắc rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm "điều đúng đắn" trong việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc phương Tây.
Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 6 – hết hạn vào ngày 30/4 – đã tăng 53 US cent đóng cửa tại 75,17 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 90 US cent lên 74,69 USD/thùng. Dầu WTI kỳ hạn cũng tăng 47 US cent lên 68,57 US/thùng.
Trong đầu phiên cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 1%, nhưng bắt đầu tăng lại sau khi Netanyahu cho biết ông sẽ sớm ra thông báo về Iran.
Iran đã bác bỏ cáo buộc của ông Netanyahu và gọi đó là lời tuyên truyền. Tổng thống Trump sẽ quyết định liệu có tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran hay không vào ngày 12/5.
Giá dầu đã tăng trong tháng 4, lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn dầu thô từ Iran. Các nhà phân tích cho biết thị trường dầu mỏ cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ tiến triển nào về thỏa thuận hạt nhân và các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sản lượng dầu thô của nước này tăng 260.000 thùng/ngày lên 10,26 triệu thùng/ngày trong tháng 2, mức cao nhất trong lịch sử.
Thông tin mới nhất về sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ, tập đoàn dầu khí Marathon đã đồng ý mua đối thủ Andeavor với trị giá hơn 23 tỷ USD. Thỏa thuận này cho phép Marathon tiếp xúc nhiều hơn với dầu đá phiến Mỹ nhờ các hoạt động kho bãi và hậu cần hiện có của Andeavor tại khu vực đá phiến Texas và Bắc Dakota.
Vàng gần mức thấp 6 tuần
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 tuần do đồng USD mạnh và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dịu lại.
Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.318,14 USD/ounce. Trong phiên giá vàng đã giảm xuống 1.310,11 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ 21/3. Vàng kỳ hạn tháng 6 của Mỹ giảm 4,2 USD (0,3%) xuống 1.319,20 USD/ounce.
Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường tại Think Markets cho biết lo ngại về địa chính trị dịu lại và chỉ số đồng đô la mạnh là các yếu tố cho đợt mất giá này.
Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố họ sẽ thực hiện các bước để chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-53 và hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chỉ số đồng USD tăng gần mức cao nhất 3 tháng so với đồng euro sau khi số liệu của Đức yếu hơn dự kiến. Chứng khoán thế giới theo xu hướng tăng trong tháng 4, lần đầu tiên kể từ tháng 1, bởi lợi nhuận tích cực từ các công ty công nghệ Mỹ và chuỗi thỏa thuận M&A.
Đối với các kim loại quý khác, bạc giảm 1,0% xuống 16,33 USD/ounce sau khi rời khỏi mức thấp nhất 3 tuần tại 16,18 USD/ounce trước đó. Bạch kim giảm 0,8% xuống 903,4 USD/ounce, trong phiên đã có lúc giá xuống 903,4 USD/ounce, mức thấp nhất 4 tháng và palađi mất 0,7% xuống 967,2 USD/ounce.
Trong tháng 4 palađi là kim loại tăng mạnh nhất trong số các kim loại quý chủ yếu, tăng 1,1% sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà sản xuất lớn của Nga đã gây lo ngại về nguồn cung. Cũng trong tháng này bạch kim là kim loại quý giảm mạnh nhất với mức giảm 2,5%.
Đồng đi lên nhờ kinh tế Trung Quốc phục hồi
Giá đồng đi lên do kỳ vọng nhu cầu tăng từ Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới, sau khi một báo cáo cho thấy nền kinh tế phục hồi bất chấp hoạt động sản xuất hàng tháng giảm nhẹ.
Giá đồng đóng cửa tăng 0,2% lên 6.807 USD/tấn, rời khỏi mức thấp hai tuần hôm 27/4. Kim loại này đã mất 2,4% trong ngày 27/4, giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ trong tháng 4 trong một dấu hiệu nền kinh tế phục hồi, mặc dù các đơn hàng xuất khẩu chậm lại cho thấy nguy cơ trong tương lai khi tranh cãi thương mại Trung Quốc – Mỹ ồn ào gần đây.
Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm trong tháng 3, nhưng đã miễn thuế tạm thời cho tới 1/5 với EU. Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định sau đó sẽ quyết định liệu có miễn thuế vĩnh viễn hay không.
Escondida, công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới tại Chile cho biết các cuộc đàm phán hợp đồng ban đầu với công đoàn công ty đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, thiết lập cho các giai đoạn đàm phán hợp pháp được lên kế hoạch vào đầu tháng 6.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng
Các nhà máy thép chủ chốt của Trung Quốc đã nâng sản lượng thép thô trong đầu tháng 4 khi triển vọng nhu cầu tích cực trong tháng 4 và tháng 5.
Các nhà máy thành viên của Hiệp hội Quặng sắt và Thép Trung Quốc (Cisa) đã sản xuất thép thô ở mức trung bình 1,876 triệu tấn/ngày trong 10 ngày đầu tháng 4, tăng 87.700 tấn (hay 5%) so với 1,788 triệu tấn/ngày trong giai đoạn từ 21/3 tới 31/3. Các nhà máy thành viên của Cisa, chủ yếu là các nhà sản xuất thép quy mô trung bình và lớn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thép của nước này.
Theo thống kê của Cisa, các nhà máy thép đã có 14,38 triệu tấn thép thành phẩm trong kho dự trữ vào ngày 10/4, tăng 7,5% so với 13,38 triệu tấn trong 10 ngày trước đó.
Một thương nhân tại miền đông Trung Quốc cho biết "tháng 4 và tháng 5 là mùa cao điểm đối với ngành thép, và giá thép đã phục hồi trong đầu tháng 4, vì thế các nhà máy tăng cường sản xuất trong giai đoạn này".
Giá đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,3 US cent (2,7%) lên 11,52 US cent/lb khi hết hạn vào cuối phiên này. Hợp đồng đường giao ngay đã giảm hai tháng liên tiếp. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 0,23 US cent (2%) lên 11,75 USD/lb.
Trong khi việc bảo hiểm rủi ro của nhà sản xuất đã ngăn cản giá tăng mạnh hơn, các đại lý cho rằng đó là sự kết hợp của mua vào dựa theo biểu đồ và việc mua nhẹ trong ngành.
Thị trường dự kiến phân phối chưa tới 1 triệu tấn cho hợp đồng kỳ hạn tháng 5, hết hạn trong phiên này, với các nguồn cung cấp chủ yếu từ Brazil.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 3,2 USD (1%) lên 330,8 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng ngày 1/5
Mặt hàng | ĐVT | Hôm nay | So với hôm qua | So với 1 tuần trước | So với 1 tháng trước | So với 1 năm trước |
Dầu WTI | USD/thùng | 68,7444 | 0,69 % | -0,27% | 4,37% | 39,07% |
Dầu Brent | USD/thùng | 74,8496 | 0,05 % | 0,59% | 5,86% | 44,28% |
Xăng | USD/gallon | 2,1315 | 0,86 % | 0,80% | 4,00% | 35,09% |
Vàng | USD/ounce | 1315,00 | -0,18 % | -1,48% | -1,41% | 4,88% |
Bạc | USD/ounce | 16,3258 | -0,93 % | -3,73% | 0,49% | -3,79% |
Bạch kim | USD/ounce | 907,49 | 0,22% | -2,68% | -3,77% | -3,46% |
Palađi | USD/ounce | 965,00 | -1,98 % | -4,83% | 0,35% | 19,75% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1036,9842 | 0,95 % | -0,58% | 1,15% | 9,03% |
Lúa mì | US cent/bushel | 513,2800 | 6,71 % | 0,92% | 7,16% | 16,36% |
Sữa | USD/cwt | 14,53 | 0,07% | 0,28% | 2,18% | -4,28% |
Cao su | JPY/kg | 87,10 | 3,48% | 4,23% | 10,45% | -28,04% |
Đường | US cent/lb | 11,37 | 3,65 % | -7,50% | -12,56% | -28,46% |
Chè | USD/kg | 3,08 | 0,00% | 0,00% | -4,64% | -0,32% |
Cà phê | US cent/lb | 120,30 | 2,30 % | 1,70% | -1,10% | -9,77% |
Đồng | USD/lb | 3,0513 | -1,96 % | -0,48% | 4,06% | 20,66% |
Nhôm | USD/tấn | 2.234,50 | -10,08% | -11,92% | 8,89% | 16,14% |
Thép | NDT/tấn | 3.922,00 | 0,64% | 3,78% | 14,18% | 18,31% |
Than đá | USD/tấn | 93,83 | 0,68% | 2,01% | 4,57% | 10,65% |
Quặng sắt | USD/tấn | 67,50 | -2,17% | 3,05% | 3,05% | 1,50% |