Hàng hoá nguyên liệu trải qua tuần giảm giá thê thảm nhất nhiều tháng
Chỉ số giá hàng hoá CRB giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 do giá dầu, quặng sắt giảm mạnh nhất trong 4 tháng; giá đồng, ngô giảm mạnh nhất kể từ tháng 8.
Giá hàng hoá nguyên liệu trên thị trường thế giới, từ dầu tới kim loại, ngũ cốc….vừa trải qua tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng nhiều tháng do áp lực dư cung trong bối cảnh triển vọng nhu cầu trì trệ ở Trung Quốc và đồng USD tăng giá.
Trung Quốc vừa quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống khoảng 6,5%. Thông tin này đã “tác động xấu tới toàn thị trường hàng hoá”, Vishnu Varathan, nhà kinh tế cấp cao của Mizhuho Bank cho biết.
Thị trường hàng hoá có thể sắp chuyển sang chu kỳ giảm giá sau đợt tăng khá mạnh vào năm ngoái. Trung Quốc có thể sẽ không còn là động lực tăng giá nữa, thị trường cần hy vọng vào các yếu tố cơ bản (cung – cầu).
Giá dầu thô Mỹ đã giảm xuống dưới 50 USD trong phiên 9/3 lần đầu tiên kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, và tính chung cả tuần mất gần 7% giá trị, nhiều nhất kể từ tháng 11/2016. Dầu Brent giảm giá 6% trong tuần, cũng nhiều nhất kể từ tháng 11.
Dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh cho thấy cán cân cung – cầu vẫn còn dư thừa lớn. Dự trữ dầu thô Mỹ đã tăng 8,2 triệu thùng trong tuần qua lên kỷ lục 528,4 triệu thùng. Hoạt động khoan thăm dò dầu và khí cũng gia tăng, khi các nhà sản xuất kế hoạch tăng sản lượng dầu thô ở Bắc Dakota, Oklahoma và các khu vực có dầu đá phiến khác, đồng thời sản lượng cũng tăng ở Permian, giếng dầu lớn nhất nước Mỹ.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm sau số liệu tích cực về thị trường việc làm Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp tháng này. Cuối tuần có lúc giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Giá đồng giảm 6 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất gần 2 tháng, 5.707 USD/tấn do tồn trữ tăng. Tồn trữ trên sàn London (LME) hiện cao nhất kể từ tháng 12 do lo ngại về nhu cầu của châu Á. Tính chung cả tuần, giá đồng đã mất 3,5%, nhiều nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Quặng sắt Trung Quốc trải qua tuần giảm giá nhiều nhất trong vòng 5 tuần cũng bởi tồn trữ tăng. Nhu cầu thép đang giảm sút khiến giá thép giảm, kéo quặng sắt giả theo. Kể từ 27/2 tới nay, thép xây dựng tại trung Quốc đã mất giá 7%.
Cao su tại Tokyo vừa trải qua 3 phiên liên tiếp giảm giá, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, theo xu hướng giá giảm tại Thượng Hải. Các nhà đầu cơ Trung Quốc quay lưng lại với cao su cũng như những mặt hàng khác và giảm bớt lo ngại về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến cho giá giảm. Giá cao su TOCOM – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – đã giảm 4,1% trong tuần, và tính từ cuối tháng 1 tới nay đã mất gần 30%.
Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) ngày 8/3 đưa ra dự báo sảnlượng cao su thiên nhiên năm 2017 sẽ vượt trên 3 triệu tấn so với nhu cầu. Năm ngoái, sản lượng đã vượt 2,7 triệu tấn. Sản lượng của các nước thành viên năm 2017 dự báo tăng 4,2% so với năm ngoái mặc dù sụt giảm trong 2 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, ANRPC cảnh báo giá cao su thiên nhiên có thể sẽ biến động mạnh theo xu hướng giá dầu thô, biến động tỷ giá tiền tệ và luồng vốn của các quỹ đầu cơ. Tiêu thụ chắc chắn cũng sẽ tăng sau quyết định gần đây của Mỹ là không áp thuế chống phá giá với lốp xe tải và xe bus xuất xứ Trung Quốc.
Sữa cũng vừa trải qua giai đoạn giảm giá kéo dài gần nửa tháng. Chỉ trong 2 phiên giao dịch vừa qua, giá sữa trên sàn giao dịch New Zealand (NZX) đã giảm hơn 10%, và sau 12 phiên vừa qua mất 19,2%, xuống mức thấp nhất 7 tháng, dưới 2.600 USD/tấn.
Triển vọng thị trường hàng hoá tuần tới, xu hướng giá giảm sẽ chưa sớm kết thúc. Đồng USD tăng và báo cáo mới nhất của USDA điều chỉnh tăng hàng loạt dự báo về giá nông sản, cộng với dự trữ xăng dầu cao ở Mỹ và nhu cầu yếu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm giá hàng hoá.