MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầm dập vì đường tạm nhập tái xuất

13-05-2013 - 14:00 PM | Thị trường

Tháng 4, Bộ Công Thương đã từng cho DN đường xuất khẩu giải phóng hàng tồn bằng đường tiểu ngạch. Nhưng đường tạm nhập tái xuất lại chen chân nhảy vào chiếm luôn đường thoát. Hiện tồn kho đã lên gần 600.000 ngàn tấn.

Trước đó, vụ 2012/13, Hiệp hội mía đường Việt Nam dự báo sản lượng đường khoảng 1,5 triệu tấn. Cộng với tồn kho vụ trước và lượng đường phải mở cửa khẩu khẩu năm 2013 là 73.500 tấn thì đến tháng 3 mức dư thừa đường mới chỉ ở mức 400.000 tấn.

Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 22/4, thống kê của Hiệp hội cho biết, con số đường tồn kho đã lên tới 562.700 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 220.000 tấn.

Ngày 13/12/2012, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có công văn kiến nghị và được Bộ NN& PTNT và Bộ Công Thương đồng ý cho phép xuất khẩu một lượng đường nhất định sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phải qua nhiều lần trực tiếp làm việc cũng như tiếp tục có công văn báo cáo 2 Bộ và Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/3/2013 Bộ Công Thương mới có văn bản cho phép xuất khẩu đường kính trắng (RS) qua cửa khẩu Lào Cai với số lượng nhất định, thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng 6/2013.

Quyết định của Bộ được các nhà máy được hoan hỉ đón nhận như một chiếc cọc cứu sinh trong bối cảnh điêu đứng ở thời điểm đó. Tuy nhiên với việc chậm giải quyết, và khi được giải quyết thì đường thuộc diện tạm nhập tái xuất lại chen chân xuất theo cửa khẩu phụ mà Hiệp hội đã xin xuất tiểu ngạch cho đường nội địa sản xuất. Điều này gây khó khăn cho việc xuất khẩu tiểu ngạch và làm cho áp lực tồn kho cao đè nặng lên các doanh nghiệp mía đường suốt nhiều tháng liền.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho biết đến hết tháng 4-2013, đã có 10 nhà máy đường dừng sản xuất bao gồm: Nước Trong, Long Mỹ Phát, Cà Mau, Bến Tre, Vị Thanh, Phụng Hiệp, Hòa Bình, Lam Sơn, Kom Tum, Sugar Việt Nam.

Trong công văn gửi Ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp Nông nghiệp - Bộ NN & PTNT vào ngày 9/5, Hiệp hội mía đường Việt Nam viết “Việc Chính phủ cho tạm nhập tái xuất đường qua biên giới lối mở giáp với Trung Quốc đồng nghĩa với việc mở đường cho đường ngoại giá rẻ chiếm luôn đường thoát của sản phẩm trong nước đang bị tồn kho lớn mà thị trường trong nước đã bị đường nhập lậu chiếm lĩnh”.

Sau khi Hiệp hội “kêu cứu” thẳng lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 10/5, Văn phòng Chính phủ gửi Công văn số 3702 đến các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Ban Chỉ đạo 127 TW và Hiệp hội Mía đường Việt Nam truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đường và tình hình buôn lậu đường trong thời gian vừa qua.

Theo nội dung Công văn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương nhanh chóng báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đường thời gian vừa qua.
Phó thủ tướng yêu cầu Ban làm rõ số lượng, giá trị và tình hình thanh khoản các lô hàng đường đã tạm nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 327/VPCP-KTTH ngày 10/1/2013 của Văn phòng Chính phủ.

Công văn cũng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5 tới.


Thanh Uyên

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên