MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra bạc mệnh

30-01-2015 - 11:46 AM | Thị trường

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2013. Năm 2015, xét về nhiều yếu tố khách quan cơ quan quản lý đánh giá cao thời cơ mới của mặt hàng cá tra xuất khẩu.

Thứ nhất, nhà nước bỏ thuế VAT đầu ra thức ăn nguyên liệu. Thứ hai, do giá dầu giảm nên giá nguyên liệu chế biến thức ăn dự báo cũng giảm 20 - 30%. Hơn nữa, dù ít dù nhiều thì năm 2015 hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết nên "cánh cửa” hội nhập của cá tra có phần rộng mở hơn. Trước cơ hội phát triển mới doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản không chỉ tính đến việc mở rộng thì trường xuất khẩu Châu Âu, còn tính đến việc thâm nhập vào thị trường Châu Á khi hiệp định thương mại hàng hóa có hiệu lực.

Bước vào đầu năm 2015, giá cá tra tăng lên 24.200 – 24.500 đồng/kg, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu. Thời cơ mở ra, DN lớn nhỏ không ngừng lên kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn thì DN xuất khẩu mặt hàng này bị một phen choáng váng vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê. Theo đó, giá thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê nhập khẩu đã lên đến mức 0,97USD/kg trong khi giá thành xuất khẩu của mặt hàng này chỉ ở mức 3 USD/kg. Con số này tăng lên gấp hai lần so với kết quả sơ bộ mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 7 – 2014 là 0,58USD/kg.

Với mức thuế chống bán phá giá cao như hiện nay lợi nhuận DN xuất khẩu cá tra giảm hẳn. Trường hợp, DN Việt Nam có tăng giá xuất khẩu cá tra cũng không được bởi vì thị trường xuất khẩu cá vào các nước đâu chỉ có riêng DN Việt. Hiện nay, cá tra Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh… Như vậy việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đồng nghĩa với việc mặt hàng này bị thu hẹp thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ.

Hàng chục năm qua, người nông dân Việt Nam cũng như các DN xuất khẩu cá tra phải "ngụp lặn” trong hàng loạt khó khăn, sóng gió. Cụ thể, khi thời tiết khắc nghiệt bệnh dịch hoành hành dẫn đến thất thu, lợi nhuận giảm. Kết quả, lỗ! Ngoài thất thu vì dịch bệnh nông dân nuôi cá tra còn phải hứng chịu giá nguyên liệu đầu vào cao, đầu ra bán dưới giá thành. Như vậy, lỗ chồng lỗ. Đến thời điểm nhận thấy "ánh sáng” bắt đầu xuất hiện trong hoạt động xuất khẩu thì cá tra lại bị nhấn chìm thêm một lần nữa. Không biết, thời gian tới cá tra xuất khẩu sẽ "bơi”  về đâu?

>>> Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh

Theo Thanh Giang

 

 

 

 

PV

Đại đoàn kết

Trở lên trên