Còn bao nhiêu thực phẩm bẩn trên thị trường?
Sau đợt kiểm tra rốt ráo về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở 1.893 cơ sở trong toàn quốc đã phát hiện 58 cơ sở có sử dụng chất cấm (chiếm 3,1%), trong đó chủ yếu là Salbutamoll và một số rất ít là chất Vàng Ô.
- 04-04-2016Thực phẩm bẩn và phát ngôn đầy âu lo của quan chức
- 04-04-2016Bộ trưởng NN&PTNT: Tôi thấm thía nỗi đau thực phẩm bẩn gây ra
- 02-04-2016Thực phẩm bẩn đe dọa giống nòi
Tại “Diễn đàn khuyến nông@nông nghiệp” với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm các tỉnh phía Bắc” được tổ chức sáng ngày 5/4 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Trong tháng 2 vừa qua, số lượng các mẫu kiểm tra dương tính với các chất cấm đã giảm rất nhiều. Chỉ có 17/1.157 mẫu dương tính với tỷ lệ 1,46% giảm được 8,4% so với tháng 1. Tháng 3 chỉ có 3/407 mẫu chiếm khoảng 0,66 % số lượng các mẫu dương tính với các chất cấm. Qua đó cho thấy các mẫu do Cục thú y kiểm tra trên toàn quốc thì dấu hiệu của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm xuống đáng kể.
Truy xuất kém
Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát triệt để, làm mẫu tại một số địa điểm từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thông báo sắp tới sẽ sửa luật Dược theo hướng những chất như Salbutamol sẽ được đưa vào kiểm soát đặc biệt. Đặc biệt, tính từ 1/7, cơ sở nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Hiện nay, cơ quan thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang tích cực phối hợp với lực lượng công an thực hiện các biện pháp trinh sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các biểu hiện vi phạm.
Tuy nhiên, hiện nay việc truy xuất vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được đánh giá là quá kém. “Ví dụ như tại thành phố Hồ Chí Minh có người phát hiện ra biểu hiện vi phạm báo cho thú y thành phố về một số sản phẩm có dương tính nhập từ các tỉnh về nhưng việc trả lời của các tỉnh lại rất là chậm.
Thường phải hàng tháng, tháng rưỡi mới có kết quả, lúc ấy heo đã bán hết”, ông Dũng nói. Ông Dũng cũng đề nghị cần truy xuất những cơ sở bán chất cấm đó theo hướng các tỉnh phải liên kết chặt chẽ với nhau, ký kết văn bản cam kết với nhau, quy ước với nhau làm thế nào khi phát hiện vi phạm ở một tỉnh nhưng cơ sở sản xuất ở tỉnh khác thì cơ quan chức năng của tỉnh này được phép truy xuất trực tiếp đến cơ sở sản xuất vi phạm, không cần thông qua cơ quan chức năng sở tại.
Xử lý hình sự: Người dân sẽ không vì vài cân thịt mà vi phạm
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, hiện nay tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình, chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn, khó triệt phá hơn, các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe, nên nhiều khả năng một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm.
Diễn đàn với chủ đề giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc tổ chức ngày 5/4.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, để ngăn chặn tận gốc tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải có những giải pháp đồng bộ.
Theo đó, nhằm nâng cao tính răn đe của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và cơ sở giết mổ không sử dụng chất cấm thì Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định mức cao nhất đối với tội danh này là chung thân cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn tình trạng này.
Điều quan trọng hơn là cần tuyên truyền mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức hơn nữa để xã hội biết đây là hành vi vi phạm. Ông Vân cho biết, trong thời gian tới Bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các cơ sở chăn nuôi gà và lợn. “Khi đó, chắc chắn người dân không vì vài nghìn đồng, vài cân thịt mà cố tình vi phạm”, ông Vân nói.
Tiền phong