MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Phát hiện chất nhuộm vải, giấy, gỗ… được dùng làm đẹp măng tươi!

01-04-2016 - 09:19 AM | Thị trường

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng vừa phát hiện 7 mẫu măng tươi màu vàng có tồn dư chất Auramine o (còn gọi chất vàng ô) dùng để nhuộm vải, giấy, gỗ…, làm màu sơn quét tường mà cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm!

Ngày 31/3, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT về tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, Chi cục đã tiến hành kiểm tra, lấy 25 mẫu măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn TP, gửi đến Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở KH-CN TP.HCM) để kiểm tra chất cấm Auramine o (còn gọi chất vàng ô).

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng măng tự nhiên, không tẩm màu. Không mua và sử dụng thực phẩm măng có tẩm màu vàng hiện đang bán tại các chợ và các cơ sở sản xuất măng

Qua 9 mẫu đã có kết quả phân tích cho thấy 2 mẫu măng màu trắng tự nhiên không có chất vàng ô; còn 7 mẫu măng tươi có màu vàng đều phát hiện tồn dư chất vàng ô. Theo nhiều tài liệu, chất vàng ô là chất màu tổng hợp chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ…và làm màu sơn quét tường, gây độc cho con người nên cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Từ vụ việc này, ông Nguyễn Tứ cho hay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng lập tức ra thông báo khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng măng tự nhiên, không tẩm màu. Không mua và sử dụng thực phẩm măng có tẩm màu vàng hiện đang bán tại các chợ và các cơ sở sản xuất măng.

Theo ông Nguyễn Tứ, hiện nay các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm quá lạm dụng các chất phụ gia thực phẩm, nhất là các chất tạo màu, để cho sản phẩm đẹp mắt nhưng không biết rõ độc hại đến sức khoẻ con người. Do vậy, Chi cục khuyến cáo người dân cảnh giác với việc mua và sử dụng các loại thực phẩm có tẩm màu mà chưa biết rõ chất tạo màu đó có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.

Bên cạnh đó, Chi cục yêu cầu các cơ sở chế biến, kinh doanh măng tươi nói riêng, thực phẩm khác nói chung, phải biết và thực hiện đúng quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm, để dễ nhớ thường được gọi là “3 cấm”. Gồm cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc; hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm (như chất vàng ô...); cấm sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng; cấm sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng; hoặc trong danh mục được phép sử dụng, nhưng vượt quá giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Tứ cũng lưu ý, khi cần sử dụng các chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, các cơ sở chế biến, kinh doanh măng tươi nói riêng, thực phẩm khác nói chung, phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế Hướng dẫn, quản lý sử dụng chất phụ gia.

Ngoài ra, để ngăn chặn kịp thời thực phẩm nông lâm thuỷ sản gây mất an toàn, ông Nguyễn Tứ mong nhận được thông tin phản ảnh của người dân (gọi điện trực tiếp cho ông, số 0907.703.863) về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản không đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc gửi mail vào hộp thư ccptnt@danang.gov.vn để Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Hải Châu

Infonet

Trở lên trên