Một lần nữa,
Hiệp hội thép Việt Nam lại có công văn số 62/HHTVN ngày
3/6/2010 đến Chính phủ, phản ánh tình trạng cấp phép
xây dựng các dự án thép tràn lan, sai quy hoạch; công
suất đầu tư vào ngành thép vượt quá xa so với nhu cầu
trong nước.
Năng lực quá
dư thừa
Phải thừa nhận,
ngành công nghiệp gang thép Việt Nam trong những năm gần
đây có sự phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu xây
dựng kinh tế của đất nước.
Hơn nữa, Nhà nước vẫn
khuyến khích đầu tư vào các dự án thép mới, nhất là
những dự án thượng nguồn (sản xuất phôi thép từ
quặng sắt hoặc phế liệu) và những sản phẩm Việt
Nam còn thiếu hoặc chưa sản xuất được vẫn phải nhập
khẩu.
Nhưng dường như việc đầu tư vào ngành thép
không tuân thủ quy định đó, thực tế vẫn còn rất
nhiều dự án đầu tư vào hạ nguồn- chỉ nhập phôi về
cán kéo- hoặc những sản phẩm mà trong nước công suất
quá dư thừa như thép cán, cán nguội, ống thép, tôn mạ…
Theo thống kê
mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính tới tháng
3/2010, năng lực sản xuất của các nhà máy gang thép của
Việt Nam dư thừa đáng lo ngại: Cụ thể, công suất thép
cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm trong khi sản xuất
năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, dư thừa hơn 2 triệu
tấn công suất.
Công suất thép cán xây dựng là 7,83
triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, dư
thừa gần một nửa năng lực. Công suất các nhà máy sản
xuất phôi thép là 5,73 triệu tấn nhưng thực tế sản
xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn.
Công suất ống thép
hàn là 1,3 triệu tấn/năm nhưng sản xuất chỉ đạt trên
473 ngàn tấn/năm. Công suất thép lá mạ kim loại là 1,2
triệu tấn/năm nhưng sản xuất chỉ đạt 816 ngàn
tấn/năm…
Đó là chưa nói
tới các dự án đang triển khai. Theo quy hoạch phát triển
ngành thép đến năm 2025 với tổng công suất 20 triệu
tấn/năm, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng
dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng
công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi
so với quy hoạch.
Địa phương
phớt lờ quy định của Chính phủ
Thực tế, việc
cấp giấy phép xây dựng ở các địa phương cho các công
ty sản xuất các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa
những tháng gần đây vẫn tiếp tục.
Đặc biệt, quy
hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007- 2015 có tính
tới 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày
4/9/2007, nhưng sau 2 năm thực hiện đã có biểu hiện
không tuân thủ nghiêm túc.
Kết quả thanh
tra mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tỉnh Bà
Rịa- Vũng Tàu có số dự án thép đăng ký đã lên tới
17 dự án, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm
và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm.
Con số này đặt ra
vấn đề Bà Rịa- Vũng Tàu nằm ngoài quy hoạch tới 7 dự
án thép. Công suất của các nhà máy thép tại Bà Rịa-
Vũng Tàu đã đứng trước nguy cơ dư thừa.
Nhưng đây không
phải là tỉnh duy nhất có số lượng dự án vượt quá
quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007- 2015, có xét tới năm
2025.
Số liệu kiểm tra cuối năm 2009 của Bộ Công Thương
cho biết, hiện nay có 32 dự án không thuộc danh mục quy
hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngoài
Bà Rịa- Vũng Tàu thì còn có Hải Phòng với 5 dự án,
Thanh Hóa và Hải Dương với 4 dự án, Hà Tĩnh 3 dự án…
Trong 32 dự án này có 3 dự án Nhà máy thép liên hợp quy
mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu
tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công Thương có ý
kiến thỏa thuận.
Theo Luật Đầu
tư thì địa phương có thể cấp giấy chứng nhận đầu
tư các dự án thép với các dự án nhóm B và C có mức
vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng mà không cần xin chủ trương
của Chính phủ.
Nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định
16/2005/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng thì đối
với các dự án nhóm B chưa có trong Quy hoạch ngành thì
trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng
văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy
hoạch.
Trước tình
trạng trên, ngày 19/3/2009, Văn phòng Chính phủ đã có
công văn 1708/VPCP-KTN gửi cho các bộ, UBND tỉnh và thành
phố, Hiệp hội Thép Việt Nam truyền đạt ý kiến của
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhắc nhở chấn
chỉnh trong việc cấp phép xây dựng các dự án thép.
Ngày 17/8/2009, Bộ Công Thương đã có công văn
8017/BCT-CNNg do Thứ trưởng Lê Dương Quang ký gửi các địa
phương quy định cụ thể việc cấp phép đầu tư cho các
dự án thép nhằm lặp lại trật tự trong đầu tư ngành
thép. Tuy nhiên cho tới nay, tình hình cấp phép sai quy định
chưa có dấu hiệu cải thiện.
Xiết chặt
việc cấp phép
Với tốc độ
đầu tư cho ngành thép như hiện nay quả là quá lãng phí
về tiền của và đất đai.
Điều đó chắc chắn dẫn
đến cạnh tranh khốc liệt và các nhà máy sẽ phải vận
hành thấp hơn mức công suất thiết kế, gây lãng phí và
hiệu quả kinh tế thấp. Đây cũng là một trong yếu tố
khiến giá thành thép nội cao, khó cạnh tranh với hàng
nhập khẩu.
Ngay đối với sản phẩm thép xây dựng thông
thường, không có gì mới trong công nghệ và thiết bị
vẫn cấp giấy phép cho nước ngoài đầu tư 100% vốn là
không hợp lý.
Nhưng đáng lo
ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã
vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, thiếu sự
nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát
triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ
tầng giao thông đường bộ, cảng biển.
Phá vỡ quy hoạch
thép có thể gây ra những hậu quả khó lường mà rõ rệt
nhất là về môi trường. Để sản xuất được 1 tấn
thép, môi trường lại phải chịu 2,9 tấn khí CO2.
Xử lý
xỉ thép thải ra trong quá trình sản xuất cũng là một
vấn đề nan giải đối với ngành thép nước ta hiện
nay. Phá vỡ quy hoạch cũng khiến ngành thép phải đối
mặt với một nguy cơ khác: thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Điều đáng nói,
nhiều nhà đầu tư thép, kể cả chủ những dự án liên
hợp lớn không phải là những nhà luyện kim có uy tín và
kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không
chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh.
Chưa kể,
một số doanh nghiệp không chuyên về thép cũng đầu tư
vào các dự án thép. Vì thế, đã đến lúc cần xiết
chặt việc thực hiện đúng quy hoạch để tránh lãng
phí.
Hiệp hội Thép
Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ thị các địa
phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ
trong việc cấp giấy phép đầu tư cho ngành thép.
Trong
thời gian tới chỉ cấp phép đầu tư để sản xuất các
sản phẩm thép Việt Nam chưa sản xuất được như thép
dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất
lượng và các nguyên liệu cho ngành thép…
Chính phủ và
các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại tiến độ
thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu
tư lớn của nước ngoài triển khai chậm trễ, lưu ý khả
năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, nếu
không có lý do chính đáng thì có thể phải rút giấy
phép để tránh lãng phí, vì diện tích đất của các dự
án chiếm rất lớn, việc triển khai kéo dài có thể cản
trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác.
Hiệp hội Thép
Việt nam cũng kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại
việc cấp phép của các địa phương trong thời gian gần
đây, nếu không thực hiện đúng như quy định của Chính
phủ và các bộ, ngành quản lý thì yêu cầu địa phương
phải chỉnh sửa lại.
Theo
Thanh Hương
Báo Công Thương