Đồng Tháp: Thiệt hại kép, người trồng quýt hồng… “xanh mặt”
Năm nay nhiều diện tích trồng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) đang chịu thiệt hại kép: trái không chịu chín và khó tiêu thụ.
- 14-01-2015Trúng mùa quýt hồng
- 10-01-2014Bưởi Năm Roi, quýt hồng được giá, nhà vườn “chảnh”
- 16-12-2013Quýt hồng chưng Tết: Giá cao vẫn hút hàng
Dồn dập xử lý hóa chất nhiều lần hơn thường lệ mà trái vẫn chưa chịu chín, giờ đây nhiều người trồng quýt hồng Lai Vung (QHLV) tiếp tục “xanh mặt” vì đã quá thời điểm giao dịch thông thường mà thương lái vẫn như bặt tăm… Đây là điều không bình thường, vì lâu nay QHLV (huyện Lai Vung – Đồng Tháp) là loại trái cây dễ bán với giá cao nhất trong những loại cây có múi trong dịp Tết.
Người héo vì trái mãi xanh
Trái với sự hiếu khách thường niên, năm nay nhiều chủ vườn đã “từ chối khéo” khi chúng tôi muốn tiếp cận. Vì sao? Một chủ vườn mới “bật mí”: “Các vườn quýt đang phun thuốc xử lý cho trái lên màu”. “Lên màu” là cách nói chuyển trái có vỏ xanh lên màu vàng đặc trưng của QHLV. Thường, vào thời điểm này quýt hồng đã lên màu vàng đỏ hồng đặc trưng, nhưng năm nay tại nhiều vườn, trái vẫn mới vàng xanh.
Thông thường vào thời điểm này QHLV đã bước vào mùa thu hoạch rộ
Kỹ sư Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Lai Vung nhận định: “Toàn huyện có 800ha chuyên canh quýt hồng với sản lượng khoảng 35.000 tấn, nhưng có khoảng 50% diện tích không kịp chín vào vụ Tết Nguyên đán”. Đáng lo hơn là ngay cả những chủ vườn có kỹ thuật, có kinh nghiệm vẫn ì ạch đi tìm chìa khóa thành công.
Đang điều hành nhóm thợ phun thuốc xử lý cho trái lên màu lần thứ 3, ông Lưu Văn Ràng, chủ vườn quýt hồng gần 1 ha ở xã Vĩnh Thới ngao ngán: “Khi xử lý thuốc “đặc trị” lần thứ 2, trái mới bắt đầu lên màu, nhưng chỉ được vài ngày rồi nhuốm xanh trở lại. Không biết lần phun thứ 3 này trái có chịu lên màu không”.
Thậm chí ngay ở xã Long Hậu, thủ phủ của QHLV, nhiều nhà vườn cũng bó tay. Anh Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết thêm: “Khó thành công vì diễn biến rất phức tạp, có vườn, gần như 100% trái còn xanh, nhưng có vườn trái phần giữa thân trên thì vàng, còn nửa thân dưới thì có lẽ đến ra Giêng mới chịu chín”.
Vườn quýt này đã qua xử lý 2 lần hóa chất nhưng trái vẫn chưa chịu vàng
Điều này cho thấy nhà vườn đang đứng trước nguy cơ thất thu lớn, bởi QHLV chỉ được giá khi bán để chưng Tết. Tuy nhiên kinh nghiệm từ những nhà vườn lâu năm cho thấy, tác động tiêu cực không chỉ dừng lại ở đó. “Việc dồn dập xử lý hóa chất không chỉ để lại dư lượng thuốc BVTV trên trái, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn có khả năng lấy đi đời sống của cây quýt vì “quá tải” hóa chất”, một chủ vườn quýt lâu năm ở xã Long Hậu xin được giấu tên, cho biết.
Sẽ tái diễn điệp khúc buồn?
Trong lúc chưa tìm ra lời giải cho bài toán giúp trái chín đúng Tết, nhiều nhà vườn QHLV lại xanh mặt trước viễn cảnh ế ẩm. “Thông thường đến Rằm tháng 11 (âl) là 3-5 thương lái đến tìm hiểu đặt tiền cọc, nhưng nay đã qua Rằm tháng Chạp vẫn chưa có lái nào đến”, ông Ràng buồn giọng.
Đây cũng là tình cảnh chung của người trồng quýt hồng ở Lai Vung. “Có rất ít nhà vườn được thương lái “ghé”, nhưng họ cũng chỉ chào với giá rất thấp so với giá bình quân nhiều năm qua 25-30 ngàn đồng/kg”, anh Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu - xác nhận.
Theo ông Ràng, nguyên nhân chủ yếu là do thương lái “thận trọng” sau nhiều năm bị thua lỗ vì dội chợ với số tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. “Nhiều khả năng cận tết thương lái mới “vào cuộc” nhằm buộc các nhà vườn “nôn nóng” bán với giá thấp để gia tăng cơ hội bù thua lỗ trước đó”, anh Hùng nhận định. Nếu điều này xảy ra, nhà vườn sẽ thiệt hại vì ngoài khoản tăng chi phí xử lý trái, theo đánh giá của Phòng NN-PTNT Lai Vung, năm nay sản lượng quýt hồng cũng giảm 15-20% do ảnh hưởng thời tiết bất thường.
Đáng lo hơn là người trồng QHLV sẽ đối mặt với điệp khúc buồn này trong thời gian tới. ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp) cho biết: “Ngoài ảnh hưởng năm trước bị ế, thương lái phải kéo dài thời gian thu hoạch sang Rằm tháng Giêng năm sau, khiến ảnh hưởng sức khỏe cây và lịch thời vụ… còn có nguyên nhân hết sức quan trọng khiến quýt chậm chín: tác động của biến đổi khí hậu”. Theo ThS Tuyên, những tháng gần đây nhiệt độ nóng – lạnh rất bất thường đã khiến sinh lý nhiều loại cây trồng bị xáo trộn, trong khi đó QHLV là cây “nhạy cảm” với biến đổi thời tiết nên chịu tác động nhiều nhất, rõ nhất.
Rớt giá, khó bán nay lại tiếp tục đón nhận bất lợi từ thời tiết, biến đổi khí hậu… đó không chỉ là chuyện riêng người trồng QHLV, mà còn là chuyện chung của nhiều nhà vườn xoài, ổi, vú sữa… Đã đến lúc nhiều nhà vườn ĐBSCL cần có sự hỗ trợ đồng bộ và thực chất hơn nữa để chủ động trước nhiễu động của thời tiết và thị trường đang ngày càng phức tạp.
Lao động