MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường hóa học thường dùng làm bánh kẹo, chè, ở Việt Nam có gây ung thư không?

03-02-2016 - 16:36 PM | Thị trường

Saccarin và Cyclamate đã từng bị cấm tại Mỹ vào những năm 70 vì gây ung thư cho chuột thí nghiệm. Tuy nhiên, những lệnh cấm này hiện đã được dỡ bỏ vì không tìm thấy bằng chứng ảnh hưởng tới con người của loại đường này.

Vốn là những chất được dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, thường được dùng tại Việt Nam trong các sản phẩm bánh kẹo, chè, đồ giải khát,... Đường hóa học Saccharin và cyclamate ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Mỹ từng cảnh báo về đường hóa học từ những năm 70

Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NIH), Saccharin và Cyclamate là những chất tạo ngọt hay còn được biết đến là đường hóa học và được dùng khá phổ biến trong thực phẩm, đồ uống. Những chất này ngọt gấp nhiều lần đường vì vậy chỉ cần một lượng nhỏ đã có thể tạo ra vị ngọt tương tự so với lượng lớn đường.

Saccharin được tạo ra từ năm 1879 bởi Constantin Fahlberg, một nhà khoa học thuộc trường Johns Hopkins University, có vị ngọt gấp 300 lần đường và không có calo. Saccharin nhanh chóng trở nên phổ biến và được dùng trong sản xuất thực phẩm, đồ uống giai đoạn chiến tranh thế giới 1 và 2.

Còn Cyclamate xuất hiện trên thị trường vào năm 1959, ngọt gấp 30-50 lần đường. Các công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống dùng Cyclamate để khiến sản phẩm của họ có hương vị tự nhiên hơn là dùng saccharin như trước.

Tuy nhiên những năm 1960, những nghiên cứu khoa học có thấy mối liên hệ giữa cyclamate và ung thư. Trong đó chỉ ra rằng phôi gà được tiêm hóa chất này phát triển dị dạng làm dấy lên e ngại đối với tác động tương tự với con người. Một nghiên cứu khác cho thấy các chất tạo ngọt có liên kết đến các khối u ác tính bàng quang ở chuột. Chính vì vậy từ năm 1969, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh bỏ cyclamate ra khỏi tất cả các loại thực phẩm.

Đối với Saccharin, những nghiên cứu từ vào những năm đầu thập niên 70 cho thấy mối liên hệ giữa chất này và ung thư bàng quang trên chuột trong phòng thí nghiệm. Với lý do này, chính phủ Mỹ bắt buộc thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về saccharin và yêu cầu tất các các thực phẩm chứa chất này đều phải được gắn nhãn cảnh báo: “Sử dụng sản phẩm này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Sản phẩm này có chứa saccharin, đã được xác định gây ung thư ở động vật trong phòng thí nghiệm.”

Nhưng đã dỡ bỏ bởi không có bằng chứng ảnh hưởng tới con người

Những nghiên cứu sau này ở chuột cho thấy sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư bàng quang khi sử dụng saccharin liều cao, đặc biệt ở chuột đực. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những kết quả này chỉ áp dụng với chuột. Các loại động vật khác như khỉ, chuột lang (Guinea Pig) cho thấy không có bằng chứng giữa saccharin và ung thư bàng quang và không có cơ chế, bằng chứng rõ ràng rằng saccharin gây ung thư ở người. Đến năm 2000, các nhãn cảnh báo trên sản phẩm có chứa saccharin được hủy bỏ.

Với cyclamate, FDA cấm sử dụng chất này vào năm 1969 do những phát hiện ung thư bàng quang ở chuột tương tự saccharin. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu lại về cyclamate và định lượng về hàm lượng sử dụng, các nhà khoa học cho biết đây không phải một chất gây ung thư hoặc đồng chất gây ung thư (tăng tác dụng khi kết hợp cùng một chất gây ung thư).

Một kiến nghị đệ trình lên FDA phê duyệt lại chất cyclamate, nhưng hiện vẫn chưa được xem xét. Những mối quan tâm của FDA về cyclamate không liên quan đến ung thư.

Hơn 10 năm qua, nhiều chất tạo ngọt nhân tạo mới được tìm ra như acesulfame potassium (ACK, Sweet One®, Sunett®), sucralose (Splenda®), và neotame (Newtame®) và trở nên phổ biến. Nhưng trước khi những chất này được FDA phê duyệt, cơ quan này thực hiện hơn 100 nghiên cứu an toàn trên mỗi chất. Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, các kết quả của những nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng các chất tạo ngọt gây ung thư hoặc gây ra bất kỳ mối đe dọa khác đối với sức khỏe con người.”

FDA cũng cho biết mức độ giới hạn cho phép đối với phụ gia tạo ngọt với mỗi người có thể tiêu thụ không gây ra tác dụng phụ là 50 mg/kg khối lượng cơ thể. Điều này đồng nghĩa với 1 người 60 kg có thể tiêu thụ một lượng 3000 mg aspartame mỗi ngày, tương đương với khoảng 16 lon soda diet loại 12 ounce (khoảng 355 ml).

 

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên