MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đường Việt' trước sức ép gia tăng của 'đường Thái'

17-02-2016 - 08:16 AM | Thị trường

Điều lo ngại nhất với đường Việt Nam trong thời gian tới sẽ là sự cạnh tranh mạnh mẽ của đường Thái Lan khi mà Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Trước Tết Bính Thân, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có cuộc họp với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh đường để đánh giá tình hình tiêu thụ đường trước, sau Tết và cả niên vụ 2015/2016.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho thấy nếu không sớm nâng cao chất lượng, đường Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với đường Thái Lan ngay trên sân nhà trong thời gian không xa.

Theo đánh giá của các công ty thương mại, đầu niên vụ 2015/2016, do giá đường thế giới cao hơn năm trước, đường nhập lậu qua biên giới Campuchia được ngăn chặn khiến số lượng đường nhập lậu có giảm và nhu cầu sử dụng đường cho tiêu dùng trong dịp tết tăng lên, vì vậy hầu hết các nhà máy đường đều thuận lợi do giá đường ổn định ở mức cao, không có hiện tượng giảm giá như các vụ trước.

Các công ty thương mại đều tiêu thụ tốt nhưng hiệu quả kinh tế thấp do ảnh hưởng của đường Thái Lan nhập lậu và các nhà máy trong nước bán ra với giá cao.

Tuy nhiên sau Tết Bính Thân, tình hình tiêu thụ đường có khả năng sẽ không tốt, giá đường có thể giảm vì những nguyên nhân sau: Giá đường thế giới có khả năng giảm trong thời gian tới; đường lậu Thái Lan có chiều hướng gia tăng do giá rẻ hơn nhiều mà chất lượng lại cao hơn so với đường RS của các nhà máy trong nước bán ra trước tết;

Đường tạm nhập tái xuất được chuyển đóng thành những túi 1kg để bán lẻ ra thị trường nội địa; XK tiểu ngạch sang Trung Quốc giảm do cấm biên, giá đường Trung Quốc giảm, đường Thái Lan sang Trung Quốc đã xuất qua các cửa khẩu Myanmar;

Nhiều khả năng lượng đường NK theo hạn ngạch thuế quan sẽ được tổ chức đấu thầu sớm hơn năm 2015; đường từ Hiệp định thương mại Việt - Lào được nhập về Việt Nam không hạn chế số lượng, không rào cản kỹ thuật, thuế nhập khẩu 0% và VAT 0%.

Điều lo ngại nhất với đường Việt Nam trong thời gian tới sẽ là sự cạnh tranh mạnh mẽ của đường Thái Lan khi mà Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Hiện tại và trong những năm tới, sản xuất đường ở Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh được với sản xuất đường ở Thái Lan, do đó chưa có dấu hiệu các công ty đường Thái Lan nhắm vào mua lại các nhà máy đường Việt Nam.

Tuy nhiên, người Thái đang quan tâm mạnh tới thị trường tiêu thụ đường Việt Nam. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường lớn, đầy hứa hẹn với ngành đường Thái Lan. Vì vậy, trong tương lai rất gần, cụ thể là tới năm 2018, khi thuế suất NK đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5%, đường và sản phẩm sau đường của Thái Lan sẽ tràn vào gây khó khăn cho ngành đường Việt Nam ngay ở thị trường nước ta.

Lâu nay, tuy có sự ngăn chặn của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương dọc biên giới Tây Nam, nhưng đường Thái Lan từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam vẫn khá nhiều, đủ sức gây tác động tới giá đường trong nước và làm cho người tiêu dùng Việt Nam quen sử dụng đường Thái Lan.

Chính vì vậy, để cạnh tranh được với đường Thái Lan sẽ tràn vào qua đường chính ngạch trong thời gian sắp tới, bên cạnh những giải pháp tổng thể nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường…, ngành đường Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng đường RS sao cho ngang bằng với loại đường này của Thái Lan.

Trong niên vụ 2015/2016, chất lượng đường RS của các nhà máy đường đã được cải thiện đáng kể, nên được các công ty sản xuất thực phẩm trong nước tiêu thụ tăng lên so với năm trước. Tuy nhiên, nếu so với chất lượng đường RS nhập lậu từ Thái Lan thì vẫn chưa bằng.

Bên cạnh đó, để giữ được thị trường nội địa, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà máy với các công ty thương mại theo chuỗi sản xuất tiêu thụ nhằm cung cấp đều đặn đường nội địa để giữ thị phần, hệ thống thương mại nên kinh doanh theo phương thức chiết khấu thương mại giữa công ty đường và công ty thương mại.

Đồng thời ngành mía đường cần tổ chức tìm hiểu, học hỏi phương thức điều hành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại của hai ngành đường Thái Lan và Trung Quốc.

 

Theo Sơn Trang

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên