MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cau tại Quảng Ngãi tăng cao bất ngờ nhờ xuất sang Ấn Độ

09-09-2015 - 10:24 AM | Thị trường

Theo các đại lý thu mua cau tại huyện Sơn Tây, giá cau tăng đột biến vì ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống ở Trung Quốc thì năm nay cau còn được xuất sang Ấn Độ.

Năm nay, cau xứ “ngàn cau” Sơn Tây (Quảng Ngãi) bất ngờ đội giá 17.000 đồng/kg, cao hơn 4 lần các năm trước. Đây cũng là năm đầu tiên cau được thương lái thu mua với giá cao như vậy.

Theo các đại lý thu mua cau tại huyện Sơn Tây, giá cau tăng đột biến vì ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống ở Trung Quốc thì năm nay cau còn được xuất sang Ấn Độ.

Các nhà máy ở 2 thị trường này thu mua cau trung (loại cau không quá già cũng không quá non) để làm nguyên liệu sản xuất kẹo cau. Do có sự cạnh tranh giữa 2 thị trường nên giá cau năm nay được đẩy lên khá cao so với mọi năm.

Do giá cau đẩy lên cao nên nhiều người dân tranh thủ hái cau để bán cho các thương lái. Có trường hợp hái cả cau non để trộn lẫn với cau trung với hy vọng kiếm thêm được chút tiền. Thương lái ứng trước tiền để mua vườn cau non của những nông dân nghèo, rồi đợi quả cau đủ tiêu chuẩn hái bán cho các đại lý lớn.

Ông Đinh Công Lập, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây khẳng định cau xuất khẩu phải đúng tiêu chuẩn, thuộc loại trung chứ không phải cau non quá hoặc già quá như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Giá cau đột ngột tăng đã góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hiện các nhà vườn hái cau non bán cho thương lái, đại lý đều bị từ chối vì không đạt tiêu chuẩn. Toàn bộ số cau non phải vứt bỏ.

Toàn huyện Sơn Tây có khoảng 1.423ha trồng cau; trong đó diện tích cau cho thu hoạch khoảng 670ha với sản lượng khoảng 8.375 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Dung và Sơn Mùa.

Những ngày này, khắp các cánh rừng xứ “ngàn cau” nhộn nhịp kẻ mua người bán. Đặc biệt, thương lái còn thuê cả đội lao động chừng 4-5 người để trèo hái cau thuê.

Bà Nguyễn Thị Chức, thôn Tan Via, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho hay, đồng bào ở đây sống với cây cau, gắn liền với cây cau nên khi cau được giá người dân rất phấn khởi.

Tại đại lý thu mua cau của chị Nguyễn Thị Kim Ánh, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây tấp nập người đến bán cau. Số lượng cau dồn về đây nhiều nên chị phải thuê đến gần 10 lao động thời vụ mới đảm bảo công việc trôi chảy.

Nhìn cau chất ngổn ngang từ trong nhà ra ngoài sân mới cảm nhận sức "nóng" của mặt hàng. Cách vài ngày, chị lại theo xe chở hàng sang Trung Quốc để giao sản phẩm cau được sấy khô cho khách quen nên cũng hiểu tường tận nhu cầu và sức mua hiện nay. “Mỗi ngày tôi mua vào 3-4 tấn cau mới đủ số lượng cho công nhân làm,” chị Ánh cho biết.

Giá cau tăng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân được cải thiện và hơn hết tạo cơ hội để loại cây trồng truyền thống này tiếp tục có chỗ đứng trong đồng bào, trở thành cây xóa nghèo đắc lực ở xứ “ngàn cau”.

Theo VĨNH TRỌNG

Vietnam+

Trở lên trên