MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thực phẩm “trở lại quỹ đạo” sau nghỉ Tết

15-02-2016 - 09:02 AM | Thị trường

Nếu như những ngày trong Tết, giá thực phẩm đặc biệt là rau xanh bị đẩy lên rất cao thì đến hôm qua (mùng 7 Tết), giá hàng hóa đã dần trở lại mức như ngày thường. Nguồn cung thực phẩm cũng được bổ sung đa dạng hơn.

Giá rau xanh dần hạ nhiệt

Tại các chợ tại Hà Nội như chợ Hàng Bè, chợ Kim Liên... ngày 10/2 (mùng 3 Tết), giá thực phẩm tăng “chóng mặt” khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng. Cụ thể, xà lách có giá tới 100.000 đồng/kg, trong khi giá trước Tết chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg; rau thơm giá 5.000 đồng/mớ, trước Tết 3.000 đồng/mớ; hành củ 80.000 đồng/kg, trước Tết 30.000 đồng/kg; cà chua 60.000 đồng/kg, trước Tết 40.000 đồng/kg; rau cần 30.000 đồng/bó, trước Tết 15.000 đồng/bó; rau cải 30.000 đồng/kg, trước Tết 20.000 đồng/kg; su hào 25.000 đồng/củ, trước Tết 10.000 đồng/củ...

Lý do khiến giá rau bị đẩy lên rất cao trong những ngày mùng 2 - 4 Tết được các tiểu thương đưa ra là trước Tết thời tiết rét hại, sương muối khiến rau hỏng hết. Mặt khác, ngày đầu năm, các chợ đầu mối cũng rất khan hàng.

Cùng với rau, trong dịp Tết, các loại cá nước ngọt cũng tăng giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg do nhu cầu ăn lẩu “giải ngấy”. Cụ thể, cá chép loại hơn 1 kg giá 130.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với trước Tết; cá trắm trắng loại to giá 160.000 đồng/kg, giá cắt khúc 200.000 đồng/kg. Còn với các loại thịt lợn, thịt bò, giá không thay đổi nhiều bởi thói quen tích trữ thực phẩm trước Tết, lượng khách mua không nhiều.

Tuy nhiên, đến chiều 7 Tết, giá các mặt hàng đã hạ nhiệt đáng kể. Rau cần 15.000 đồng/mớ; su hào 9.000 – 10.000 đồng/củ, rau muống do trái mùa nên vẫn có giá 25.000 đồng/mớ... Cá chép giá 100.000 đồng/kg, giảm 20.000 – 30.000 đồng/kg, tôm giá dao động từ 200.000 - 280.000 đồng/kg tùy loại...

Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh ngày 7 Tết, thực phẩm tươi sống tại các chợ vẫn "neo" ở mức cao. Ghi nhận của phóng viên, dù không đa dạng về chủng loại so với ngày thường nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn cao hơn từ 20 - 30%. Tại chợ Tân Định (quận 1), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận)... cải ngọt, cà chua tăng thêm 3.000 – 4.000 đồng/kg; rau cần tây, dưa chuột tăng thêm 5.000 đồng/kg so với trước Tết. Theo các tiểu thương, giá tăng là do chi phí vận chuyển những ngày Tết tăng.

 


Sau Tết, mặt hàng rau xanh luôn thu hút người mua.

Sau Tết, mặt hàng rau xanh luôn thu hút người mua.

Chị Nguyễn Thị Hải (quận 3) cho biết, giá tăng cao nhưng người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn vì chỉ có một số ít điểm bán hàng, nhiều quầy còn nghỉ Tết. Còn anh Trần Hải Đăng, chủ một quầy bán thực phẩm ở chợ Phú Nhuận, cho rằng, năm nay do thời gian nghỉ Tết dài, nhà vườn chưa chủ động với kế hoạch sản xuất nên thiếu hụt nguồn cung rau xanh.

“Hầu hết thương lái bỏ sỉ cho các điểm bán lẻ đều tăng giá nên bắt buộc chúng tôi phải tăng giá bán theo. Tăng giá mạnh nhất là các loại rau xanh vì gần đây thời tiết chuyển lạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng rau”, anh Đăng cho biết.

Nguồn cung sẽ tăng trở lại

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong dịp Tết vừa qua, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Ngày 9/2 tức là ngày mùng 2 Tết, nhiều sạp hàng tại các chợ dân sinh đã bắt đầu mở hàng. Còn hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa hoạt động bình thường vào ngày mùng 6 Tết. Cá biệt có siêu thị Aeon (Long Biên, Hà Nội) mở cửa xuyên Tết, không có ngày nghỉ.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhiều doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, giảm giá, giải phóng hàng tồn kho trong khi sức mua trên thị trường không cao như mọi năm nên nhiều loại hàng hóa Tết năm nay không tăng giá hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết. Riêng một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, do nhu cầu tiêu thụ cao cùng với đợt mưa rét kéo dài nên giá trong những ngày Tết đã tăng khoảng 20 - 50% so với trước Tết.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ ổn định do nguồn cung đảm bảo khi hầu hết các siêu thị, chợ đều đã mở cửa, sức mua cải thiện, thời tiết các tỉnh miền Bắc ấm dần lên, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi nguồn cung các loại hàng hoá trên thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hoá thuộc diện bình ổn.

Khảo sát tại siêu thị Intimex Bờ Hồ chiều mùng 7 Tết – ngày nghỉ Tết cuối cùng, các gian hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt lợn, thịt bò còn khá lèo tèo. Quầy rau xanh hầu như cháy hàng, không có rau mới. Một nhân viên bán hàng tại siêu thị cho biết, trong ngày làm việc đầu tuần, các đơn vị phân phối sẽ giao hàng mới đến siêu thị, khi đó nguồn cung sẽ trở lại bình thường như trước Tết. Dự báo, trong ngày 8 Tết, nguồn cung hàng hóa sẽ được bù đắp.

Tại các siêu thị lớn như BigC, Fivimart, các mặt hàng bày bán còn thưa thớt so với ngày thường nhưng các loại rau, củ, quả có xu hướng giảm so với trước Tết do nguồn cung đã được đảm bảo hơn. Tại chợ đầu mối Long Biên, các hoạt động nhập hàng, bán hàng đã nhộn nhịp hơn do các tiểu thương đã nhập các mặt hàng đa dạng hơn. Dự báo đầu tuần, giá cả sẽ ổn định trở lại do nguồn cung đầy đủ.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, thời điểm sau Tết, giá cả tại BigC vẫn bình ổn, nhiều loại thực phẩm phục vụ bữa ăn thường nhật của người dân như: thịt gia súc, rau củ quả còn giảm từ 10 - 15% so với ngày thường do từ trước Tết, siêu thị đã chủ động kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm.

Hầu hết các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu những ngày đầu năm mới 2016 đều cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt số doanh thu mong muốn. Theo đó, doanh thu của hệ thống Co.opmart tăng 8 - 11%, Satra tăng 10%, Aeon Mall kinh doanh liên tục, không nghỉ Tết nên sức mua tăng khoảng 7% so với cùng kỳ...

 

Theo Hoàng Dương – Lê Nghĩa

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên