Hàng hóa siêu thị phục vụ Tết tăng khoảng 10 – 15%
Tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán trị giá khoảng 16.000 tỷ đồng.
- 14-01-2015Giá trị chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán tăng hơn 10%
- 09-01-2015Thực phẩm Tết: Ngoại hút khách, nội ế sưng
- 04-01-2015Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 30%
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tổ chức phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn Thành phố; để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch dự trữ và sản xuất hàng hóa phục vụ tết.
Ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn toàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán trị giá khoảng 16.000 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu như: gạo trắng thường 4.000 tấn, thịt lợn 900 tấn, thịt gà 450 tấn, trứng gia cầm 5,5 triệu quả, thủy hải sản đông lạnh 200 tấn, dầu ăn 1,5 triệu lít, rau củ 1.500 tấn, với tổng tiền hàng khoảng 276,8 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp tập trung bán hàng thiết yếu tại 600 điểm bán hàng bình ổn, khoảng 1.600 điểm bán hàng là đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn. Tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các hàng hóa khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người nông dân, công nhân có thu nhập thấp trong dịp Tết.
Tổng Công ty CP rượu, bia và nước giải khát Hà Nội sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 145 triệu lít bia, khoảng 3 triệu lít rượu các loại. Công ty CP vang Thăng Long dự kiến sản xuất đưa ra thị trường trong dịp Tết khoảng 3 triệu chai rượu các loại.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết khoảng 1.207 tỷ đồng, tập trung vào các sản phẩm chính là lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, bánh kẹo, quà tặng, đồ gia dụng, may mặc và điện máy.
Công ty CP sữa Quốc tế dự kiến sản lượng phục vụ Tết khoảng 10,5 triệu lít sản phẩm. Công ty CP sữa Hà Nội dự kiến sản xuất khoảng 4 triệu lít. Một số doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Ba Vì dự trữ khoảng 2 triệu lít (gồm 2 loại sản phẩm chính là sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng và sữa chua).
Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Coop mart, Fivimart, Intimex, Hapro, Citimart,... dự trữ bán ra các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, với tổng số tiền hàng trên 2.500 tỷ đồng, trong đó hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo chiếm khoảng 75-80%. Các trung tâm thương mại lớn mới đưa vào khai thác như Lotte mart, Time city, Royal city,... có kế hoạch để thu hút và đón nhân dân đến vui chơi, mua sắm trong dịp tết.
Hà Nội cũng dự kiến tổ chức 7 điểm bán hàng Việt tại các huyện ngoại thành; tổ chức các Hội chợ Xuân, các chợ Hoa xuân, chợ Nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố phục vụ nhân dân thăm quan, mua sắm phục vụ Tết.
>>> Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giảm giá dịp Tết
Hà Thắm