Hiệu quả từ chủ động chuyển đổi cây trồng chống hạn
Do chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, nên dù hạn gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh vẫn tương đối ổn định.
- 13-03-2016Bớt trồng lúa để thúc đẩy nông nghiệp Việt phát triển?
- 11-03-2016Giá lúa ĐBSCL tăng vọt, bà con nông dân mừng ra mặt
- 09-03-2016Lúa ven sông Vàm Cỏ Đông được mùa, được giá
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây trồng cạn và sử dụng biện pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nước, chống hạn.
Hộ ông Trần Văn Chật ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành trước đây làm 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu. Do cánh đồng 1 ha lúa của ông thuộc đất gò lại ở vùng cuối kênh nên mỗi khi lấy nước tưới cho cây trồng, ông phải dùng máy để bơm lên.
Vụ Đông Xuân này, lượng nước điều tiết thấp, việc bơm nước khó khăn nên ông quyết định chuyển đổi hết 1ha lúa sang trồng khoai mì sử dụng ít nước, đồng thời, lắp đặt thêm hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước. Nhờ ổn định được nước tưới, hơn 1ha cây khoai mì của ông Chật phát triển tốt, đạt sản lượng cao.
“Cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn cây lúa nên ở đây thường xuyên làm 1 vụ lúa để chuyển đổi cây trồng cạn, giảm thiểu lượng nước tưới. Mô hình trồng mì cho thấy ít tốn nước tưới hơn nhưng thu lãi gấp 1,5 lần so với trồng lúa nhưng lại đỡ vất vả hơn”, ông Chật cho biết.
Mặc dù thuận lợi về nước tưới từ hệ thống kênh Tây hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa, nhưng hộ gia đình ông Võ Văn Lã ở ấp Tua 2, huyện Châu Thành vẫn theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh tiết kiệm nước để chống hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất. Ông Lã đã chuyển 2 ha lúa sang trồng cây mè - một loại cây trồng chịu hạn cao. Năm nay, giá mè tăng cao đạt mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Lã thu lãi gần 100 triệu đồng.
“Trồng lúa năng suất không cao bằng cây mè nên gia đình quyết định chuyển sang trồng cây mè trong vụ Đông Xuân. Cây mè phát triển rất tốt trên đất ruộng này và vẫn có giá trên 40.000 đồng/kg nên gia đình có thể có thể duy trì việc chuyển đổi”, ông Lã cho biết.
Ngoài 2 hộ dân Trần Văn Chật và Võ Văn Lã, hàng trăm nghìn hộ dân ở tỉnh Tây Ninh cũng đã ý thức được việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới để chống hạn, bằng hình thức chuyển đổi diện tích lúa sang trồng cây ngắn ngày, cây trồng cạn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, trong vụ đông xuân 2015 -2016, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi trên 1.000 ha lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, nâng tổng diện tích chuyển đổi toàn tỉnh lên 45.000 ha, gồm các loại cây khoai mì, mè và các loại đậu. Trong đó, cây trồng được người dân chọn trồng nhiều và hiệu quả nhất là cây khoai mì, với diện tích là 25.000 ha, cây công nghiệp ngắn ngày là 22.000 ha, còn lại là hoa màu.
Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, việc chuyển đổi cây trồng chủ yếu được thực hiện từ cây trồng cần nhiều nước sang cây trồng cần ít nước. Trên địa bàn Tây Ninh, cây mì trồng hiệu quả hơn trồng lúa nên một số đất lúa ở trên đất gò được người dân chuyển sang trồng cây mì. Trong tương lai, kế hoạch quy hoạch giai đoạn 2016 – 2020 thì cũng sẽ điều chỉnh diện tích mì sao cho phù hợp với tình hình.
Do bà con nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm tối đa diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn sử dụng ít nước, cho nên dù hạn gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh vẫn tương đối ổn định./.
VOV