MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người tiêu dùng quay lưng với giống gà nhập lậu

07-03-2016 - 09:27 AM | Thị trường

Dù giống gà Chíp Tàu nhập lậu về Việt Nam có tỉ lệ chết bình quân 25 - 30%, thậm chí nhiều đàn lên tới 50 - 60%, song người dân tại một số huyện có truyền thống nuôi gà thả vườn của Bắc Giang là Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn vẫn có thói quen nuôi gà Chíp Tàu dịp trước tết.

Những năm trước, thời điểm hiện tại người chăn nuôi đã giải phóng toàn bộ lượng gà Chíp Tàu phục vụ cúng bái dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Tuy nhiên năm nay, về các vùng chăn nuôi gia cầm lân cận Hà Nội, đặc biệt là chợ Hà Vỹ dễ dàng nhận thấy giống gà Chíp Tàu ế ẩm.

Ế sưng ế xỉa

Những ngày cuối tháng Giêng âm lịch, có mặt tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) điều khiến chúng tôi bất ngờ là sự áp đảo của các giống gà Chíp Tàu, đếm sơ sơ khoảng chục ki ốt bán. Sở dĩ dễ dàng nhận ra giống gà này bởi toàn bộ gà đều là trống, vóc dáng nhỏ và màu lông đỏ tía không lẫn vào đâu.

Chia sẻ từ cánh lái buôn, do năm nay chăn nuôi trong nước phát triển, giá rẻ nên gà Chíp Tàu bán chậm từ trước Tết tồn đến nay. Hiện gà nuôi trên 4 tháng đang rao bán tại chợ này chỉ 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Một chủ ki ốt bán gà tại dãy B, chợ Hà Vỹ cho biết, những năm trước mỗi chuyến chị nhập khoảng 2 tấn gà Chíp Tàu, bán vèo 1 ngày là hết, nay có 1 tấn gà bán lay lắt 3 ngày chưa xong.

Một lái buôn khác cũng bán gà Chíp Tàu cho hay, sở dĩ gà Chíp Tàu vẫn có đất sống ở nước ta vì sản phẩm đánh trúng tâm lí, thói quen tiêu dùng của người dân miền Bắc Việt Nam là cúng gà trống tơ các dịp lễ Tết.

Điều khiến ông Tiến lo lắng nhất là các giống gà nhập lậu từ Trung Quốc thường tiềm ẩn vô vàn nguy cơ dịch bệnh do không được kiểm soát từ khâu ấp nở, con giống đến chăn nuôi, cũng không được kiểm dịch.

Trong khi đó, gà Chíp Tàu có ưu điểm về mẫu mã như: Lông đỏ, chân vàng nhỏ, mào cờ… nên phải thừa nhận nhiều năm gần đây, không ít người dân Việt Nam vẫn cúng Tết bằng gà Chíp Tàu.

Nhưng theo ông Lương Văn Tiến, một lái buôn gà lâu năm tại chợ Hà Vỹ, giống gà Chíp Tàu ngoài bộ mã ra không kéo lại được điểm gì.

Giống gà này phải nuôi rất dài từ 4,5 - 5 tháng mới phát mã, bung lông, bật cựa nên tỉ lệ tiêu tốn thức ăn cao, song gà lại có trọng lượng rất bé chỉ 1,3 - 1,6 kg/con. Đã thế lườn gà rất mỏng và thịt ăn nhạt, thua xa chất lượng thịt các giống gà ta hay gà ri.

Sao vẫn nuôi?

Thủ phủ nuôi gà Chíp Tàu ở Việt Nam không đâu khác chính là tỉnh Bắc Giang. Dù giống gà Chíp Tàu nhập lậu về Việt Nam có tỉ lệ chết bình quân 25 - 30%, thậm chí nhiều đàn lên tới 50 - 60%, song người dân tại một số huyện có truyền thống nuôi gà thả vườn của Bắc Giang là Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn vẫn có thói quen nuôi gà Chíp Tàu dịp trước tết.


Gà Chíp Tàu còn ế rất nhiều trong dân tại Bắc Giang

Gà Chíp Tàu còn ế rất nhiều trong dân tại Bắc Giang

Như đã đề cập, sở dĩ gà Chíp Tàu nhập lậu vẫn có đất sống ngoài ưu điểm ngoại hình bắt mắt, tỉ lệ trên 90% là trống thì thực sự giá giống gà Chíp Tàu nhập lậu rất rẻ, về đến tận chuồng chỉ khoảng 6.000 đồng/con.

Chính vì ham rẻ nên trong những năm qua không biết bao nhiêu hộ dân tại Bắc Giang đã thua lỗ nặng nề vì gà Chíp Tàu. Những năm giá gá ở ngưỡng cao còn gỡ gạc được đôi chút chứ giá gà thấp như năm nay cộng tỉ lệ chết lên tới 25 - 30% không lỗ mới là chuyện lạ.

Sở dĩ Trung Quốc có dòng gà Chíp Tàu toàn trống là do người dân Trung Quốc khác Việt Nam, họ chỉ chuộng ăn thịt gà mái nên khi gà được 1 ngày tuổi các cơ sở giống lọc gà trống ra bán riêng với giá rất rẻ sang Việt Nam. Các đàn gà Chíp Tàu sang nước ta thường không tiêm vắcxin, nhất là vắcxin Marek.

Ông Nguyễn Văn Huy, một hộ chăn nuôi tổng hợp lớn tại xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế dẫn chúng tôi ra thăm đàn gà Chíp Tàu đỏ ngầu các gốc nhãn tâm sự, trước đây bản thân ông làm nghề ấp giống, nhưng do thua lỗ lại neo người làm nên năm 2015 ông bỏ nghề.

Trước tết khoảng 4 tháng, qua sự mời chào của cánh buôn gà giống lậu, ông Huy vào thử đàn Chíp Tàu trên 1.000 con, nhưng nuôi đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 700 con sống, song không bán được do giá quá rẻ. Hơn nữa, vì dùng quá nhiều thuốc và kháng sinh để giữ đàn nên gà của ông Huy xù lông, chậm lớn càng khó bán hơn.

Ông Huy đang phải tính đến phương án nuôi lên thành gà cựa (gà già) may ra mới mong kéo lại được đồng vốn bỏ ra. Theo ông Huy, đợt trước Tết tại xã ông còn có hàng chục hộ khác nhập gà Chíp Tàu về nuôi nhưng qua dò hỏi chưa thấy hộ nào bảo có lãi.

Từ thực tế rất nhiều hộ dân tại Bắc Giang đang ế ẩm không bán được gà Chíp Tàu cho thấy, tình trạng buôn lậu giống gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện còn diễn biến rất phức tạp.

Theo Nguyên Huân

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên