MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở "Thủ phủ" La Phù: Nhiều thương hiệu nổi tiếng bị làm nhái

02-04-2016 - 11:11 AM | Thị trường

Xã La Phù (Hoài Đức – Hà Nội) từ lâu được biết đến là nơi sản xuất nhiều loại bánh kẹo, nước uống. Tuy nhiên, đây cũng là nơi đang khiến dư luận quan tâm bởi nhiều thương hiệu bánh kẹo, nước uống xuất hiện nơi đây có tên gần giống với các thương hiệu nổi tiếng.

“Thiên đường” hàng nhái

Qua tết Nguyên đán Bính Thân, nhiều làng nghề sản xuất hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam im ắng do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm nhưng riêng La Phù vẫn tập nập phương tiện về thu mua bánh kẹo, đồ uống. Ngay từ đầu làng, xe ô tô tải từ các tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang… nườm nườp bốc dỡ hàng. Các thùng bánh kẹo, nước uống được chất kín các cửa hàng, đại lý, thậm chí được bày la liệt ra cả vỉa hè, lấn chiếm lòng đường.

Theo quan sát của phóng viên, bánh kẹo, nước uống tại La Phù khá bắt mắt về hình thức, không thua kém gì các loại bánh kẹo có xuất xứ nước ngoài. Tuy nhiên, để ý kỹ quá trình trình bốc dỡ hàng hóa tại La Phù, phóng viên thấy một thực tế là trong một số xe hàng, rất nhiều loại bánh kẹo được để trong túi ni-lông (không tem nhãn, bao bì) được cất sâu bên trong còn bên ngoài là hàng hóa có bao bì, tên sản phẩm. Hỏi về nguồn gốc, chất lượng của số bánh kẹo không nhãn mác, nhân viên cở sở kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát T.H (đường Minh Khai, xã La Phù) cho biết: “Hàng này yên tâm về chất lượng vì do cơ sở tự sản xuất, năm nay hàng Trung Quốc không có nhiều nên chủ yếu là hàng nội, giá rẻ nên khách hàng vùng núi ưa chuộng”. Khảo sát tại các cơ sở bán lẻ trên địa bàn, nhiều loại kẹo ở đây có giá rất rẻ. Tại cơ sở bán lẻ Ngọc Hùng, gần trường Tiểu học La Phù, bim bim được bọc trong túi ni-lông hoặc để trong các thùng các tông có giá từ 800 đồng đến 1.000 đồng/gói, nếu mua số lượng lớn giá chỉ còn 700 đồng/gói. Với giá bán rẻ như vậy rất khó có thể có sản phẩm chất lượng tốt.

La Phù không chỉ nổi tiếng bởi việc sản xuất các sản phẩm giá rẻ, theo quan sát của phóng viên, nơi đây còn bán nhiều loại bánh kẹo nhái thương hiệu nổi tiếng. Qua khảo sát một số các đại lý phân phối ở đây, phóng viên đã thấy những thương hiệu có tên gần giống với tên các thương thiệu nổi tiếng: ChocoPai (tên thật của sản phẩm là ChocoPie), Damisa (bánh Danisa của Đan Mạch), bánh Gosy (bánh Cosy của Công ty Kinh Đô). Lý giải về nguyên nhân tên sản phẩm bánh kẹo ở La Phù có tên “na ná” tên như vậy, anh Nguyễn Cảnh Thái– nhân viên đại lý bánh kẹo Đức Anh (tại nội thành Hà Nội)- thường xuyên mua bánh kẹo tại La Phù cho biết: “Người ta làm tên giống như vậy để người mua khó phân biệt đây là hàng nhái. Trước đây khi mới làm ăn, bán những sản phẩm chính hãng, giá thành cao lúc nào cũng ế ẩm, phải bán tháo do sợ hết hạn sử dụng. Nhưng từ khi biết đến bánh kẹo La Phù, tôi nhập hàng ở đây về phân phối, giá thành vừa rẻ, hàng vừa ăn khách, lại sinh lãi gấp 3-4 lần. Đồng thời, khách hàng lại ưa chuộng do hợp túi tiền của người dân nông thôn, miền núi”.

Bên cạnh đó, nhiều loại bánh kẹo ở đây tuy có ghi tem nhãn nhưng cũng rất chung chung, mập mờ về nguồn gốc như: “La Phù – Hoài Đức – Hà Nội”. Có những loại bim bim chỉ 1.000 đồng/gói nhưng lại được ghi sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai. Không cần tính đến chi phí vận chuyển, nhân công có lẽ các nhà máy sản xuất ở phía Nam phải có một dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện đại bậc nhất mới có thể bán cho La Phù bánh kẹo dưới 1.000 đồng/sản phẩm, trong khi, các xưởng sản xuất ở đây lúc nào cũng hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Không nên ham hàng rẻ

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Huyện Hoài Đức với đặc thù là huyện giáp ranh trung tâm thành phố, có nhiều làng nghề, trong đó có một số làng nghề chuyên sản xuất thực phẩm, tập trung chủ yếu tại các xã như: La Phù, An Khánh, Minh Khai, Dương Liễu. Toàn huyện có tổng số hơn 1.200 DN và 2.000 hộ sản xuất. Trong đó, riêng sản xuất bánh kẹo, bim bim, mì khô có 354 cơ sở. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có thời vụ, tập trung vào thời điểm 30-4, tết Trung thu và dịp trước, trong tết Nguyên đán. Mặt khác, do nhận thức người dân còn hạn chế nên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. DN và hộ dân hoạt động thời vụ nên công tác kiểm tra, thu giữ gặp nhiều khó khăn.

Gần đây nhất, ngày 10-3, Đội Quản lý thị trường số 11 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 6 – Phòng Cảnh sát môi trường – Công an Thành phố Hà Nội (Đoàn 2 – liên ngành 389 TP. Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội do ông Trần Mạnh Hiệp (SN 1991, ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 4 tấn phụ gia thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 cho biết: "Số phụ gia thực phẩm trên chủ yếu được sử dụng để nhuộm, tẩm ướp vào các loại bim bim cho trẻ em".

Trên địa bàn xã La Phù, tình trạng sản xuất bánh kẹo, đồ uống giả, kém chất lượng đã tồn tại từ lâu. Trước đó vào năm 2012, Đội Quản lý thị trường số 12 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - Công an TP Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất rượu và nước giải khát Thiên Long (xã La Phù, Hoài Đức) do chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1980) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận công nhân của cơ sở này đang sản xuất, pha chế, đóng chai các loại nước giải khát có ga hương vị cam, coca, chanh và rượu Champagne trên nền nhà xưởng cáu bẩn, ngập nước.

Làm việc với cơ quan Công an, chủ cơ sở thừa nhận để hạ giá thành sản phẩm, thu lợi nhuận cao đã sử dụng cồn công nghiệp kết hợp với nước giếng khoan, đường Trung Quốc, phẩm màu không rõ nguồn gốc để pha chế rượu và nước ngọt. Dù sản xuất, đóng chai với nhãn mác, bao bì bắt mắt nhưng giá thành một chai nước ngọt ở đây bán buôn chỉ với giá 1.100 đồng; rượu Champagne, rượu vang đào giá từ 10.000 - 12.000 đồng.

Thực tế trên có thể thấy, tình trạng sản xuất, bày bán, kinh doanh bánh kẹo giá rẻ, nhái thương hiệu nổi tiếng tại La Phù (Hoài Đức – Hà Nội) đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp xử lý triệt để những cơ sở sản xuất thiếu tiêu chuẩn chất lượng, làm hàng giả, hàng nhái ở đây thì hậu quả là người tiêu dùng sẽ âm thầm bị đầu độc, đặc biệt với đối tượng là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Quang Tấn

Báo hải quan

Trở lên trên