MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin hàng hóa nổi bật tuần 12/01 – 18/01

18-01-2015 - 22:14 PM | Thị trường

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam; Kiến nghị không nhập khẩu đường từ Lào; Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất kể từ 2013; Giá dầu thô diễn biến xấu nhất từ năm 1986...

Kiến nghị không nhập khẩu đường từ Lào

Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) vừa có công văn gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu đường từ Lào trước thông tin Bộ Công thương đề nghị cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với mức thuế 0%.

Theo VSSA, vụ mía đường 2014-2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn.

Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía. Do đó, VSSA kiến nghị Thủ tướng tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách...

Dầu thô đang có diễn biến xấu nhất kể từ năm 1986

Giá dầu giảm 8 tuần liên tiếp - chuỗi các tuần giảm dài nhất kể từ tháng 3/1986 do OPEC dự đoán nhu cầu giảm trong khi nguồn cung ngày càng dồi dào.

Trong năm ngoái, giá dầu đã giảm gần 50% - nhiều nhất kể từ đại khủng hoảng 2008, do nguồn cung dầu ở Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ còn OPEC kiên quyết giữ nguyên sản lượng. Đầu tuần này, Goldman Sachs và Societe Generale là hai trong số các ngân hàng đã giảm dự báo về giá dầu thời gian tới.

OPEC – khối các nước cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô toàn cầu- đã bơm 30,2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2014, tăng 140.000 thùng so với tháng trước đó, chủ yếu do tăng từ Iraq. Khối này cũng đưa ra dự báo thị phần trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm từ mức 31,9% trong năm ngoái xuống 31,2% trong năm nay.

Còn ở Mỹ, một báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ mới đây cho biết, sản lượng dầu đã lên tới 9,19 triệu thùng/ngày trong tuần đến ngày 9/1 vừa qua – cao nhất kể từ đầu năm 1983, khi cơ quan này bắt đầu tập hợp số liệu. Dự trữ dầu của Mỹ trong cùng thời kỳ tăng 5,39 triệu thùng lên 387,8 triệu thùng – mức tăng gấp hơn chục lần so với dự đoán của các chuyên gia.

Một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà phân tích và thương nhân cho thấy giá dầu sẽ nối tiếp đà giảm trong tuần tới. Cụ thể, trong số 40 người được hỏi thì có tới 21 người dự báo giá giảm, chiếm tỷ lệ 53%, và chỉ có 11 người dự đoán giá tăng.

Vàng thế giới có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2013

Giá vàng thế giới lên cao nhất trong 4 tháng và tăng tổng cộng 4,5% trong tuần này (từ 12-16/1) – ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2013, vì nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào phòng ngừa rủi ro sau khi Thụy Sĩ thả nổi tỷ giá đồng franc.

Phiên 16/1, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.280,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 1% lên 1.276,9 USD/ounce. Trong phiên có lúc giá lên trên 1.280 USD- cao nhất trong 4 tháng.

Theo các nhà phân tích, động thái của NHTW Thụy Sĩ làm tăng khả năng NHTW châu Âu (ECB) cũng sẽ đưa ra biện pháp nới lỏng chính sách trong phiên họp ngày 22/1 tới đây, trong đó không loại trừ có gói QE từ ECB.

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù phía Việt Nam đã đưa ra những số liệu và lập luận thuyết phục nhằm yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra mức thuế công bằng và hợp lý đối với sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Việt Nam nhưng tại quyết định cuối cùng trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ 1/8/2012 đến 31/7/2013, DOC vẫn áp mức thuế chống bán phá giá cao đối với 24 công ty lên mức 0,97 USD/kg. Mức thuế này cao hơn so với kết quả sơ bộ mà DOC đưa ra tháng 7/2014 (0,58 USD/kg). Các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế như kết quả sơ bộ: 2,39 USD/kg.

Sẽ nhập 81.000 tấn đường và 102.000 tấn muối

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương vừa thống nhất sẽ nhập 81.000 tấn đường và khoảng 102.000 tấn muối trong năm 2015.

Từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đều cấp hạn ngạch nhập khẩu muối với khoảng 102.000 tấn/năm, giao cho thương nhân sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, thuốc và sản phẩm y tế. Điều đáng nói là năm 2014, sản lượng muối cả nước ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 15,6% so với năm 2013, trong đó muối công nghiệp tăng tới gần 30%, đạt 347.700 tấn. Dự kiến năm 2015, sản lượng muối qua chế biến sẽ đạt khoảng 450.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy vậy, theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, việc Việt Nam phải nhập khẩu muối là khó tránh bởi do hạn chế về công nghệ, sản xuất trong nước không đủ phục vụ công nghiệp. Ông Phương cho biết Việt Nam đã có công nghệ sản xuất muối công nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lại “chê”, không làm đại trà do giá thành cao.

Trong khi đó, rất ít ngành sản xuất đòi hỏi nhập khẩu đường chất lượng cao mà hầu như sử dụng sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm để đến năm 2015 là 81.000 tấn. Điều đáng nói là tính đến ngày 15-12-2014, đường tồn kho trong nước đạt hơn 250.000 tấn.

Nhập khẩu và tiêu thụ ô tô đều cao kỷ lục

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 12, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đạt con số kỷ lục 20.208 xe, bao gồm 13.200 xe cá nhân và 7.000 xe thương mại. Đây là tháng thứ 21 liên tiếp doanh số toàn ngành cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2014, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đạt 157,8 nghìn xe, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013. Đà tăng trưởng của thị trường đến từ sự tăng trưởng của cả 2 phân khúc: xe cá nhân đạt 100,4 nghìn xe – tăng 43% và xe thương mại đạt 57,37 nghìn xe, tăng 42%

Còn theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2014, cả nước đã nhập khẩu 9.956 ô tô nguyên chiếc với trị giá 234,59 triệu USD; tăng 1% về số lượng và tăng 17,1% về giá trị so với tháng trước. Kết quả đạt được trong tháng 12 đã nâng tổng số ô tô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đạt 71.045 chiếc với trị giá 1,584 tỷ USD; ghi nhận con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị.

Cuba sẽ nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Cuba cho biết, trong năm 2014,Việt Nam đã giao xong 200.000 tấn gạo theo Hợp đồng Chính phủ vào tháng 7/2014. Đối với hợp đồng doanh nghiệp, Vinafood1 đã ký hợp đồng xuất bán 68.000 tấn, trong đó đã giao 14.500 tấn trong tháng 7/2014 và đã giao đủ 29.000 tấn của hợp đồng thương mại năm 2013 chuyển sang.

Theo Bộ Nông nghiệp Cuba, mỗi năm Cuba cần khoảng 650.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu của 11,2 triệu dân và dự trữ. Đối chiếu với sản lượng đạt được khoảng 300.000 tấn gồm 300.000 tấn nộp cho nhà nước và lượng gạo còn trong dân, lượng gạo sản xuất của Cuba đã đạt khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mục tiêu của Cuba trong năm 2016 đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước. Như vậy, mỗi năm Cuba dự kiến vẫn cần nhập khẩu khoảng 350.000 tấn gạo. Trong Biên bản Kỳ 32 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Cuba, hai Bên đã thỏa thuận việc mua bán 200.000 tấn gạo theo diện tín dụng Chính phủ và 100.000 tấn gạo diện thương mại cho năm 2015.

>>> Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 16/01: Kiến nghị không nhập đường từ Lào

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên