MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu mua tạm trữ lúa gạo ở ĐBSCL: Được-Mất từ một chính sách

03-04-2015 - 13:38 PM | Thị trường

Đến hẹn lại lên, vào chính vụ thu hoạch lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ ra quyết định thu mua tạm trữ lúa gạo với mục tiêu nhằm kích thích, giảm nguồn cung tạm thời trên thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.

Nhưng chính sách này sau nhiều năm triển khai vẫn bị những kẻ trục lợi “hớt váng,” còn nông dân vẫn ngóng chờ giá lúa lên và trông chờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Vụ Đông Xuân 2014 -2015 này, chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo được đưa ra trong bối cảnh cũng giống như những lần trước. Giá lúa liên tục giảm sút; các địa phương lại ngóng chờ chính sách thu mua tạm trữ để kéo giá lúa lên. Cộng với những tín hiệu xuất khẩu chưa có gì khả quan, khiến doanh nghiệp càng hững hờ và áp lực lại đặt lên vai Chính phủ. Điều khác là, trước đây yêu cầu tạm trữ thường đặt ra cho vụ Hè-Thu, vụ gặp khó khăn vì thu hoạch trong mùa mưa. Năm nay, tạm trữ được thực hiện ngay từ vụ Đông-Xuân, vụ có lợi thế sản xuất tốt nhất.

Trước khi triển khai chương trình thu mua tạm trữ năm nay, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nếu không thu mua tạm trữ, giá lúa sẽ giảm mạnh và nông dân cũng không đạt được lợi nhuận tối thiếu theo hướng dẫn. Đơn cử như ngày 13/2, giá thị trường gạo 5% tấm giao dịch khoảng 360 USD/tấn, gạo 25% khoảng 340 USD/tấn. Với giá giao dịch đã xuống đáy như vậy, giá gạo ở Việt Nam đã thấp hơn Thái Lan rất nhiều, thậm chí gạo 25% tấm của Thái Lan còn cao hơn gạo 5% tấm của Việt Nam.

Khi thị trường tiêu thụ khó khăn, Chính phủ phải sử dụng chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo nhằm tạm thời làm giảm nguồn cung trên thị trường và giúp ổn định lại giá cả. Việc thu mua tạm trữ dù không trực tiếp nhưng sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân, khi giá trị lúa gạo được bảo đảm ở trên mức có lợi nhuận tối thiểu cho nông dân.

Tuy nhiên, trước khi tín hiệu giá đến được với nông dân, tiền chính sách đi qua rất nhiều tầng lớp trung gian như ngân hàng, doanh nghiệp. Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính sách này tạo tâm lý mua vào cho nông dân, doanh nghiệp, thương lái và cầu có tăng, mặc dù là cầu ảo-cầu tạm trữ. Điều kiện ngân sách hạn hẹp đã khiến việc tạm trữ phải thông qua nhiều công đoạn, lòng vòng.

Nhưng việc thu mua ngoài phụ thuộc vào yếu tố tâm lý đó, yếu tố quan trọng hơn là sự phân tích, tính toán của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, yếu tố quyết định tình hình là họ có bán được lúa hay không và điều này phụ thuộc thị trường thế giới.

“Nếu thấy khả năng bán được họ sẽ mua, thậm chí mua hơn cả tạm trữ. Nếu thấy tình hình xuất khẩu khó khăn, họ sẽ không mua. Còn việc tuyên bố thực chất lại mua theo hình thức,” ông Sơn đánh giá. Có lẽ cũng chính vì thế nên việc tạm trữ lúa gạo trong những ngày đầu thực hiện chính sách đã diễn ra rất chậm chạp.

Về cách thu mua tạm trữ lại không căn cứ vào diện tích canh tác của địa phương mà vẫn căn cứ vào số lượng doanh nghiệp có khả năng thu mua và tổ chức chế biến xuất khẩu để phân bổ. Cộng với việc triển khai thu mua tạm trữ chỉ có một lần trong khi các tỉnh lại có thời điểm gieo cấy, thu hoạch khác nhau nên gây nên tình trạng bất hợp lý giữa các địa phương.

Không chỉ có vậy, doanh nghiệp xuất khẩu mạnh được ưu tiên tham gia tạm trữ. “Những ông lớn như Vinafood1, Vinafood2 xuất khẩu mạnh nhưng lại chưa gắn kết với nông dân trong sản xuất lại được hưởng lợi lớn nhất” - ông Đặng Kim Sơn bức xúc.

Ông Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cũng cho rằng, chính sách gián tiếp đem lại lợi ích cho nông dân chỉ khi giá lúa gạo tăng, còn lợi ích trực tiếp vẫn cho doanh nghiệp và thương lái.

Theo nhiều chuyên gia, do chính sách vẫn tác động gián tiếp nên rất nhiều cái mất. Nếu có thì vẫn chỉ là các doanh nghiệp được, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp không tham gia vào trực tiếp sản xuất có cơ hội tham gia vào “hớt váng” và nông dân được xem như đỡ khổ. Bao nhiêu năm nay, Chính phủ tuyên bố đây chỉ là chính sách tạm thời, chỉ là giải pháp tình huống nhưng vụ sau, giá lúa lại xuống, Chính phủ lại phải tiến hành tạm trữ.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng, do Việt Nam sản xuất nhiều lúa gạo dẫn đến dư thừa nhưng theo ông Đặng Kim Sơn, vấn đề do Việt Nam vẫn nhắm vào thị trường giá rẻ, chất lượng thấp, như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… Các thị trường này dễ tính, giá rẻ nhưng sức mua không có vì trông vào sự trợ cấp của nước đó.

“Bản thân chúng ta bị nuông chiều, thị trường dễ tính và chính sách tạm trữ đã đóng góp một phần. Cả hai bên sản xuất và tiêu thụ, cộng với chính sách Nhà nước đã “tiếp tay” cho thị trường tiêu thụ lúa gạo giá rẻ, chất lượng thấp, khuyến khích các doanh nghiệp đợi hỗ trợ để mua của dân, đợi nhà nước chỉ đạo ký hợp đồng liên Chính phủ. Như vậy, Việt Nam đã sản xuất gạo cho thị trường chính sách chứ không phải bán cho thị trường thương mại”- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Kim Sơn, để xử lý tận gốc vấn đề phải tái cơ cấu ngành lúa gạo. Đầu tiên cần phải chuyển hướng vào thị trường có giá trị, chất lượng cao. Thị trường mà cả chính sách trong nước và nước ngoài không cần phải can thiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nắm lấy công cụ thị trường, chuyển sang sản xuất có chất lượng, giá trị, sản xuất hàng hóa, thay đổi về kết cấu giống, mùa vụ, cơ cấu canh tác. Khi đó, chính sách sẽ hướng vào hỗ trợ xây dựng hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn.

Trước mắt, theo ông Đặng Kim Sơn, hình thức tạm trữ phải gắn với điều kiện, chỉ cho doanh nghiệp nào thực sự gắn với nông dân và mở rộng việc hợp tác xã tham gia thu mua tạm trữ đồng thời giao cho địa phương và phân bổ theo sản lượng cũng như khả năng xuất khẩu. Nếu cần thiết thì đấu thầu tạm trữ để nguồn tiền Nhà nước từ chương trình được sử dụng hiệu quả hơn./.

>>> Tạm trữ gạo đạt gần 80% kế hoạch

Theo Bích Hồng

PV

Vietnam+

Trở lên trên