Trung Quốc lại ồ ạt mua nông thuỷ sản Việt Nam
Bên cạnh việc tăng giá khá mạnh của con cá tra thì lúa gạo lên cơn sốt giá thời gian qua cũng được lý giải là do Trung Quốc đã gia tăng đột ngột lượng gạo mua vào từ Việt Nam.
- 15-12-2015Trung Quốc mua heo ồ ạt: Cẩn trọng!
Lâu nay Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhập khẩu nông thuỷ sản của Việt Nam. Quý 1 này, thương lái Trung Quốc đến tận nhà máy, vùng nguyên liệu mua hàng và sẵn sàng trả giá cao.
Cá tra: chỉ cần xẻ bướm
Ba tháng đầu năm 2016, công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang (Đồng Tháp) là một trong số doanh nghiệp tốp đầu xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.
Ông Ông Hàn Văn, phó tổng giám đốc công ty này nói nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc bắt đầu tăng vọt từ đầu năm 2015.
Qua năm 2016, do tình hình nuôi trồng cá rô phi nội địa của họ bị hụt sản lượng do thời tiết lạnh nên nhà nhập khẩu càng đẩy mạnh mua hàng.
Ông Văn cho hay không như các thị trường khác cần cá tra philê đông lạnh, đặc điểm của thị trường Trung Quốc cần cá có trọng lượng từ 1kg trở lên, để nguyên da, xẻ bướm (bỏ đầu) nên khâu chế biến không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, tốn nhiều chi phí nhân công.
Tuy nhiên, làm hàng cá xẻ bướm lại không được quay tăng trọng, nghĩa là chất lượng cá như thế nào thì để nguyên bán như vậy nên giá bán phải cao hơn hẳn so với các thị trường còn lại và phía Trung Quốc cũng chấp nhận, không những thế còn đặt mua với số lượng rất lớn.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết vài tuần gần đây sau khi có đầy đủ thông tin sản lượng cá tra của Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đổ xô xuống các nhà máy tìm mua cá tra.
Đại diện công ty cổ phần thuỷ sản ở An Giang nói vài tuần gần đây đã tiếp rất nhiều đoàn khách Trung Quốc. Họ yêu cầu ký nhiều hợp đồng số lượng lớn nhưng công ty không có đủ cá cung cấp.
“Trong tháng 4, chúng tôi ký hợp đồng khoảng 500 container, riêng Trung Quốc nhập tới hơn 100 container”, giám đốc một doanh nghiệp nói.
Một số công ty khác thì cho hay đã ngưng hoàn toàn việc ký mới các hợp đồng xuất khẩu cá từ tháng 5 trở đi do lo ngại không đủ hàng và giá cá nguyên liệu tăng cao.
Hơn nữa, thay vì chọn khách hàng ở những thị trường xa như thị trường Trung Đông, châu Phi thì nay doanh nghiệp ưu tiên bán thị trường gần cho Trung Quốc.
Còn theo thống kê từ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 237,35 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc – Hong Kong tăng tới 32,6%.
Hay với con tôm, mặt hàng thu về 378,4 triệu USD thì riêng Trung Quốc cũng có tỷ lệ tăng trưởng lên đến 35,5%.
Hầu hết hợp đồng đều thanh toán tiền liền, chứ không nợ nần như lâu nay cộng đồng doanh nghiệp lo ngại bị khách hàng Trung Quốc xù.
Mua cả gạo lứt
Một mặt hàng khác cũng đang bán khá chạy sang Trung Quốc nữa là gạo.
Ba tháng đầu năm nay, theo ông Lê Thanh Danh, giám đốc chi nhánh Đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long (tổng công ty Lương thực miền Bắc), đơn vị này đã xuất khẩu hơn 30.000 tấn gạo đi các thị trường, trong đó cơ bản vẫn là bán sang thị trường Trung Quốc.
Ngay từ đầu năm, theo ông Danh, thương nhân Trung Quốc đã đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam khiến giá lúa gạo tại các tỉnh miền Tây tăng chóng mặt.
Phần lớn gạo xuất sang Trung Quốc vẫn theo đường tiểu ngạch, có số ít xuất chính ngạch rơi vào các doanh nghiệp lớn, thuộc tổng công ty Lương thực miền Nam.
Ông Lê Thanh Danh nói các tháng đầu năm nay nhiều thương nhân Trung Quốc xuống tận các kho nhỏ ở các tỉnh để trực tiếp mua gạo nguyên liệu.
Một số doanh nghiệp khác cũng phản ánh Trung Quốc mua cả gạo lứt, sau đó yêu cầu nhà máy chà sạch sơ sơ rồi đóng bao vận chuyển về.
Họ cho người đứng ra mua trực tiếp chứ không qua doanh nghiệp Việt Nam. Các vùng mà Trung Quốc hay ghé tới là khu nhà máy xay xát, các kho nhỏ ở Cai Lậy, Tiền Giang.
Bên cạnh việc tăng giá khá mạnh của con cá tra thì lúa gạo lên cơn sốt giá thời gian qua cũng được lý giải là do Trung Quốc đã gia tăng đột ngột lượng gạo mua vào từ Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2015, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chính ngạch chiếm 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 8,3 triệu tấn.
Dự kiến, năm nay lượng xuất khẩu tương đương năm ngoái và Trung Quốc cũng sẽ mua tới 50% chứ không ít hơn.
Mỗi ngày gom 1 vạn heo
Ngoài lúa gạo và thuỷ sản, một trong những mặt hàng cũng đang có sức hút ghê gớm từ thị trường Trung Quốc, đó chính là heo hơi.
Một số thương lái giàu kinh nghiệm ở Đồng Nai ước tính hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 con heo được giới thương lái mua gom ở khu vực các tỉnh miền Đông xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Để biết được heo hơi từ Việt Nam có khả năng “chảy” sang Trung Quốc hay không, giới thương lái bảo chỉ cần để ý đến một quy luật về giá hết sức đơn giản là: lấy giá heo hơi tại cửa khẩu + 8 là ra liền.
Nghĩa là, nếu giá heo hơi tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh ngày 28/3 là 58.000 đồng/kg mà giá tại các tỉnh miền Đông là 50.000 đồng thì heo hơi đủ khả năng “chạy” sang Trung Quốc.
Chênh lệch giá như vậy là đi được và giá hiện nay ở miền Đông là 48.000 đồng, còn ngoài cửa khẩu là 56.000 đồng, theo các thương lái. Với khả năng “hấp thụ” mỗi ngày số lượng lớn, ổn định trong suốt thời gian dài từ đầu tháng 2 đến nay, nên thị trường Trung Quốc chính là yếu tố giúp giá heo nội địa tăng rất mạnh.
Thế giới tiếp thị