Vì sao thép Việt liên tục bị điều tra chống bán phá giá?
Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim có độ dày từ 0,2 - 2,6 mm và rộng từ 700 - 1300 mm của Việt Nam vào thị trường này.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xác nhận thông tin trên. MITI sẽ trực tiếp gửi bảng câu hỏi điều tra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thép của Việt Nam, doanh nghiệp (DN) thép trong nước cũng có thể gửi yêu cầu đến MITI để nhận bản câu hỏi, hạn cuối là ngày 11/9.
Quyết định sơ bộ về cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng. Nếu không đảm bảo thời hạn trên của MITI, các DN cần liên lạc với cơ quan điều tra đề nghị gia hạn thời gian trả lời.
Trường hợp không nhận được bản trả lời trong thời gian quy định, MITI sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để kết luận.
Theo GS. Nguyễn Thị Mơ - Trung tâm Trọng tài quốc tế, phần lớn DN bị điều tra là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Một rủi ro nữa, DN ký hợp đồng rất sơ sài và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
DN mới chỉ thỏa mãn một số điều khoản cơ bản, như yên hàng, số lượng, giá cả... và hầu hết đều bỏ qua những điều khoản phạt hay bồi thường thiệt hại.
Ông Lê Sĩ Giảng - Chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh thương mại, cho rằng, thép bị kiện nhiều bởi thép có phổ rộng và mức đầu tư lớn.
Thép cũng là mặt hàng bị "soi" nhiều do là ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển, đồng thời bảo hộ sản xuất.
Một điểm nữa, quy chuẩn chất lượng sản phẩm thép phổ biến toàn thế giới, với một nền thông tin chung, một cơ cấu sản xuất chung, người ta có thể phân tích để xác định DN bán hay không bán phá giá.
Thép của Việt Nam "bị kiện nhiều hơn" do DN thép tập trung phát triển một vài lợi thế nhất định trong toàn chuỗi (quặng, phôi, thép đen, thép trắng, thép cao cấp...) với chi phí sản xuất rẻ. Nhìn sâu vào bản chất ngành thép hiện nay, DN Việt Nam chỉ mạnh ở một vài điểm.
Chẳng hạn bắt đầu từ quặng, gần như chỉ có Hòa Phát, mà Hòa Phát lại chỉ dừng ở thép đen, chưa làm được thép cao cấp. Nhiều DN nhập khẩu phôi để sản xuất thép, đó không phải là từ công nghệ gốc mà chủ yếu dựa vào chi phí nhân công giá rẻ.
Ngành thép của Việt Nam phát triển quá nóng nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia "cuộc chơi toàn cầu", cạnh tranh với thép ngoại vẫn là yếu tố giá thành sản xuất.
Hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng 10 triệu tấn/năm, nhưng phần lớn DN thép có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản lý chưa tốt, chi phí sản xuất cao do công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu. Các công cụ bảo vệ thị trường nội địa còn kém.
Số liệu từ Cục Cạnh tranh cũng ghi nhận, Việt Nam là một trong những nước có nhiều nhóm sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá với 52 vụ bởi 15 nước trên thế giới, riêng thép chiếm 29% trong tổng số vụ, cao nhất trong các nhóm ngành nghề kinh doanh.
Về điểm này, DN thép Việt khác DN thép của Indonesia. Thép bị kiện nhiều nhưng DN Indonesia có kinh nghiệm và biện pháp bảo vệ thị trường tốt hơn Việt Nam.
Thực thi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), DN thép Việt Nam đã và đang vất vả chống đỡ với thép Trung Quốc. Tới đây, áp lực sẽ tăng cao khi FTA với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) dự kiến ký vào cuối năm 2015.
Hiện chưa biết danh mục thuế suất sẽ được điều chỉnh như thế nào, nhưng trước đó, phía Nga đề xuất danh mục 167 mã hàng sắt thép có thuế suất về 0%, áp dụng ngay khi hiệp định có hiệu lực, mà đây lại là các mặt hàng trong nước sản xuất dư thừa như phôi thép, thép xây dựng, thép ống và tôn mạ.
Doanh Nhân Sài Gòn