Xuất khẩu gạo quý 1 tăng trên 40% cả về khối lượng và giá trị
Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
- 24-03-2016Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán
- 20-03-2016Nhiều “ông lớn” rút kế hoạch nhập gạo Việt Nam
- 19-03-2016Tranh nhau mua lúa gạo
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3 xuất khẩu gạo đạt 629 nghìn tấn với giá trị đạt 274 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2016 đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015.
Indonexia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Xuất khẩu gạo sang thị trường này hai tháng đạt 330,3 nghìn tấn và 131,01 triệu USD, tăng 213,1 lần về khối lượng và 196,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc, đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17,15% thị phần. Hai tháng xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 160,69 triệu tấn và 71,5 triệu USD, tăng 39,2% về khối lượng và tăng 53,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Philippines tăng hơn 11 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần.
Thị trường Malaisia tăng 51,49% về khối lượng và tăng 49,27% về giá trị; thị trường Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 42,27% về khối lượng và tăng 23,85% về giá trị.
Các thị trường có sự giảm lớn là Bờ Biển Ngà (giảm 25,19% về khối lượng và giảm 8,04% về giá trị), Singapore (giảm 20,1% về khối lượng và giảm 21,8% về giá trị).
Hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa Đông Xuân tại khu vực ĐBSCL, nhưng bù lại giá lúa lại đang có chiều hướng tăng mạnh có lợi cho nông dân.
Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến sôi động, lúa Đông Xuân tăng giá do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam.
Hiện nay, việc thu mua lúa đang diễn ra thuận lợi, việc xuống giống không đồng loạt giữa các khu vực khiến nguồn cung trên thị trường không bị thiếu hụt.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 450 đ/kg, từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 tăng từ 4.650 đ/kg lên 4.800 đ/kg; lúa khô tăng tới 600 đ/kg, 14 từ 5.100 đ/kg lên 5.700 đ/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa tươi từ 4.600 – 5.000 đ/kg lên 4.800 – 5.200 đ/kg; lúa tài nguyên đang hút hàng, giá ở mức 6.000 – 6.500 đ/kg; lúa khô từ 5.400 đ/kg lên 6.000 đ/kg.
Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường tăng từ 5.400 đ/kg lên 5.500 đ/kg, lúa dài tăng từ 5.600 đ/kg lên 5.900 đ/kg.
Tính trong quý I/2016, giá lúa tại ĐBSCL diễn biến giảm trong tháng 1 và 2 do nhu cầu xuất khẩu yếu, sau đó tăng trở lại trong tháng 3. Với mức thấp nhất trong quý đầu năm là 4.500 đ/kg đối với lúa tươi IR50404 tại An Giang, hiện tăng lên 5.000 đ/kg. Lúa IR50404 tại Vĩnh Long hiện ở mức 4.800 đ/kg, bằng mức giá đầu tháng 1, với mức thấp hồi tháng 2 là 4.400 đ/kg.
VOV