MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiệt quệ vì Covid-19: Hàng không tư nhân 'tự sinh', nhưng rất cần hỗ trợ của Chính phủ để không 'tự diệt'

Kiệt quệ vì Covid-19: Hàng không tư nhân 'tự sinh', nhưng rất cần hỗ trợ của Chính phủ để không 'tự diệt'

Cuối tháng 6, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 194 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines vì Covid-19 với gói hỗ trợ lên đến 12.000 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có đang bỏ lỡ Bamboo Airways hay Vietjet Air, các hãng hàng không tư nhân đang đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Cứu ngành hàng không đang 'hấp hối' cũng chính là cứu nền kinh tế

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP. HCM, làn sóng dịch Covid-19 lần này đã và đang bào mòn vào “sức khỏe” ốm yếu của các hãng hàng không suốt một năm qua bởi sức cầu của nền kinh tế nói chung cũng như sức cầu của nhu cầu đi lại hàng không vẫn sẽ giảm sút dù đến cuối năm 2021. Theo như dự báo của Bộ Giao thông vận tải, đến khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngành công nghiệp hàng không mới bước đầu đi vào khôi phục.

Chính bởi vậy, ông Bảo đã so sánh các hãng hàng không hiện nay với những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Theo đó, các hãng cũng rất cần được hỗ trợ “thở oxy” bằng các chính sách kịp thời nếu không sẽ gây ra hai rủi ro có thể gây hậu quả sau này.

Thứ nhất, rủi ro thanh khoản khiến các doanh nghiệp không đáp ứng được lượng tiền chi trả các khoản nợ ngắn hạn của ngân hàng hay các nhà cung cấp. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn là việc trả lương cho hàng ngàn người lao động.

Thứ hai, về dài hạn nếu không được giải quyết kịp thời, vấn đề kiệt quệ tài chính cho doanh nghiệp gây ra những hệ quả cho việc tái cấu trúc trong tương lai. Từ đó gây khó khăn trong việc hồi phục kinh tế khi tình hình dịch bệnh được khống chế.

Vì vậy, Việt Nam cần phải hỗ trợ doanh nghiệp hàng không bởi một số lý do sau đây:

Đầu tiên, ngành hàng không đóng một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Chính phủ cũng từng nhấn mạnh việc không để đứt gãy chuỗi cung ứng và các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, hàng không đóng vai trò gạch nối giữa Việt Nam với thế giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế hậu Covid-19. Tiếp đó, cứu trợ ngành hàng không còn giúp giải cứu nhiều ngành khác để duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.

Các hãng hàng không tư nhân cũng cần được hỗ trợ

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, việc hỗ trợ của Chính phủ cũng chính là một khoản đầu tư, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Bởi doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân cũng đều là doanh nghiệp, đều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, khi đặt trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cũng đang muốn vực dậy cả 3 trụ cột doanh nghiệp cho nền kinh tế gồm: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Ông Lực nhận định, khối doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp tới 60% GDP Việt Nam cho tới năm 2030, và thậm chí có thể lớn hơn nữa cho tới thời điểm 2045.

Hướng đi nào cho các hãng hàng không tư nhân?

Đặc thù của ngành hàng không là một ngành có đầu vào cần nhiều nguồn vốn, nhưng đầu ra lại phụ thuộc chủ yếu vào khách hàng đi máy bay. Với bối cảnh không có khách hàng đi lại như hiện nay, việc vay vốn từ ngân hàng là rất khó cho các doanh nghiệp tư nhân nếu không có những chính sách từ Chính phủ.

Bởi các hãng hầu hết phải chi trả tiền rất lớn cho các chi phí thuê máy bay, thuê bến bãi cũng như trả lương cho phi công, tiếp viên mà lại không có phương án kinh doanh trước tình hình đóng cửa như hiện nay.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành hàng không phát triển như hiện nay ngoài đóng góp của hãng hàng không nhà nước như Vietnam Airlines còn nhờ vào các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways hay Vietjet Air. Chính nhờ sự đa dạng trong cơ cấu ngành, người tiêu dùng đã được hưởng lợi bởi sự cạnh tranh để tiếp cận được mức giá tốt nhất. Tuy nhiên, nhà nước lại mới chỉ có chính sách hỗ trợ cho Vietnam Airlines mà chưa nhìn vào các doanh nghiệp cũng đang “hấp hối” còn lại.

TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số giải pháp sau cho việc “cấp cứu” hai hãng hàng không tư nhân còn lại. Tuy nhiên, ông cũng đề cao vai trò của Chính phủ trong những chính sách này.

Về phía Chính phủ, việc tung ra các gói hỗ trợ các doanh nghiệp này về vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn cũng như trung hạn để có thể đối phó với tình hình trước mắt. Khoản hỗ trợ này có thể coi như một khoản đầu tư của Chính phủ nhằm đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Chính phủ có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên theo ông Lực, điều này khá khó bởi các ngân hàng thương mại rất sợ lỗ khi tình hình kinh doanh của các hãng bay này bị kìm hãm mạnh bởi tình hình dịch trong một vài năm tới.

Về phía doanh nghiệp, các hãng có thể bổ sung thêm nguồn vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu. Ngoài ra, ông Lực cũng đề xuất một giải pháp việc Nhà nước mua lại cổ phần phát hành thêm này rồi sau đó thoái vốn. Tuy nhiên, về tính khả thi của phương án này thì vẫn cần cân nhắc thêm.

Đặng Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên