MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt công ty du lịch Việt bị phạt vì không hiểu luật

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành không đọc quy định của Nghị định hoặc khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn những thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn. Trong khi đó, quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Ngày 7/6, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức tọa đàm triển khai Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Nghị định 45/2019/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017. Các mức xử phạt đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động. Thực tế, cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành không đọc quy định của Nghị định hoặc khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn những thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn.

“Do đó, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phổ biến, hướng dẫn Nghị định 45/2019/NĐ-CP để các hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật, khống chế các hoạt động phi pháp, lộn xộn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị những bất cập trong quá trình triển khai để kiến nghị xử lý”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Được biết, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; 2- Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; 3- Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 4- Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.

Nghị định 45 cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân…

Nêu ý kiến về Nghị định 45, ông Trần Long, Tổng giám đốc Du lịch Việt nói "Tất cả những nghị định trước còn chung chung, mập mờ thì tại Nghị định 45 này mọi thứ đã rất cụ thể, rõ ràng. Với Nghị định 45 này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ không còn làm bậy được nữa. Quá nhiều đơn vị có thể vào xử phạt các doanh nghiệp lữ hành như UBND xã chẳng hạn".

Cũng theo đại diện Du lịch Việt, với Nghị định 45 thì tư tưởng làm du lịch đơn giản sẽ không thể tồn tại và phát triển được. "Hiện nay ở Việt Nam chúng ta, các công ty du lịch mọc lên như nấm sau mưa, nhưng rất nhiều công ty không hiểu luật", ông Long nhấn mạnh.

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên