MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt dự án giao thông giao địa phương chậm tiến độ

Trong số 18 dự án đang thi công, có tới 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành đúng kế hoạch trong năm 2022. Ảnh minh họa

Trong số 18 dự án đang thi công, có tới 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành đúng kế hoạch trong năm 2022. Ảnh minh họa

Có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng được giao các Sở GTVT địa phương/Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, trong số 18 dự án đang thi công, có tới 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ, chất lượng, giải ngân các dự án giao cho Sở GTVT các địa phương làm chủ đầu tư của Bộ GTVT mới đây, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 94.100 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định. Trong đó, kế hoạch vốn giao cho các Sở GTVT làm chủ đầu tư (20 dự án/19 Sở GTVT) giá trị khoảng 2.850 tỷ đồng (chiếm 3% tổng số vốn), được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 10 dự án do 9 Sở GTVT (Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Yên, Sơn La) quản lý đã hoàn thành xây dựng, chỉ hoàn thiện thủ tục thu hồi ứng trước kế hoạch và thực hiện quyết toán dự án với số vốn giao là hơn 823 tỷ đồng.

Nhóm 2 có 8 dự án do 8 Sở GTVT quản lý (Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nam, Ban QLDA Công trình giao thông và NN&PTNT Đắk Lắk) đang thực hiện thi công với số vốn giao 1.561 tỷ đồng.

Nhóm 3 có 2 dự án do 2 Sở GTVT (Hà Tĩnh, Quảng Trị) quản lý đang triển khai công tác thiết kế, chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công với số vốn giao 466 tỷ đồng.

Đến nay, các Sở GTVT đã giải ngân được gần 885 tỷ đồng (đạt khoảng 31% kế hoạch năm).

5 Sở GTVT chưa giải ngân

Trong đó, các dự án thuộc nhóm 1 đã giải ngân gần 788 tỷ đồng, đạt 95,7%. Tuy nhiên, còn 5/9 Sở GTVT chưa giải ngân được, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Yên, Sơn La.

Các dự án thuộc nhóm 2 đã giải ngân gần 97 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch. Tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ GTVT và của cả nước.

Trong đó, một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân chậm như: Tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột của Ban QLDA CTGT và NN&PTNT Đắk Lắk được giao 472 tỷ đồng, mới giải ngân 10 tỷ đồng.

Tuyến nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình của hai Sở GTVT Hưng Yên và Hà Nam được giao hơn 233 tỷ đồng, mới giải ngân 1 tỷ đồng.

Dự án QL12A của Sở GTVT Quảng Bình được giao 156 tỷ đồng, mới giải ngân hơn 7 tỷ đồng. Tuyến tránh Cao Bằng của Sở GTVT Cao Bằng được giao 78 tỷ đồng, mới giải ngân được 1 tỷ đồng.

Đối với các dự án nhóm 3, các dự án vẫn đang triển khai thiết kế để lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án trong quý II/2023.

Nhiều dự án lớn chậm tiến độ

Trước đó, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng thông tin về việc hiện nay có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng được giao các Sở GTVT/Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Đáng chú ý, trong số 18 dự án đang thi công, có tới 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022.

Cụ thể, dự án QL.279B do Sở GTVT Điện Biên làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành, song hiện vẫn còn khoảng 550 m chưa được địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án QL32C đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư bị lỡ kế hoạch do vướng mặt bằng. Tính đến hết năm 2022, sản lượng thi công dự án này mới đạt 81%.  GPMB mới đạt khoảng 74%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí GPMB vượt khoảng 100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Lý do vướng mặt bằng cũng khiến dự án QL37 do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư không thể về đích năm 2022, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 95%. Theo báo cáo, công tác GPMB mới đạt 93%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí GPMB vượt khoảng 30 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Đối với dự án QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành yêu cầu là tháng 12/2022, song do chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương xử lý dứt điểm các vướng mắc về GPMB, nhà thầu chưa quyết liệt triển khai thi công dẫn đến bị vỡ kế hoạch về đích.

Nhóm dự án "không thể về đích trong năm 2022"

Đáng chú ý, dự án QL15A do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư nằm trong nhóm dự án không thể về đích năm 2022. Hiện, tuyến chính của dự án này dài hơn 31 km của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15,1 km, đang hoàn thiện thủ tục nghiêm thu, đưa vào sử dụng 16,6 km còn lại.

Đối với hạng mục bổ sung tuyến tránh khu di tích lịch sử Truông Bồn (3,16 km), công tác GPMB cơ bản hoàn thành, đang thi công thảm bê tông nhựa lớp trên và hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án tháng 6/2023 (chậm so với yêu cầu gần 6 tháng do vướng mặt bằng).

Tiểu dự án 3 - Dự án QL15 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, hạn đích ban đầu là trước ngày 31/12/2022 nhưng dự án cũng không hoàn thành theo kế hoạch. Nguyên nhân do chưa chi trả tiền đền bù GPMB các điểm sạt trượt phát sinh do mưa lũ (khoảng 14 tỷ đồng).

Nguy cơ không hoàn thành trong năm 2023

Đề cập đến các dự án phải hoàn thành năm 2023, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết hiện nay, tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột do Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ.

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, sản lượng đạt khoảng 20,1%, chậm 40% so với kế hoạch chủ yếu do công tác GPMB chậm kéo dài (chi phí GPMB vượt 331,7 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt, vướng mặt bằng nút giao QL 26 nên không tiếp cận được công trường), nhà thầu chưa tập trung thi công.

Tiến độ thi công của dự án rất chậm, có nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, thi công cuốn chiếu, hoàn thành phần nền đường trước tháng 6/2023 (mùa mưa hằng năm), đảm bảo tiến độ hoàn thành.

Tương tự, dự án QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, giai đoạn 3 do Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư cũng đang bị chậm tiến độ. Sản lượng dự án mới đạt hơn 20%, chậm khoảng 0,82% so với kế hoạch. Nguyên nhân do thời gian gia tải, chờ lún kéo dài, công tác di chuyển thiết bị, vận chuyển vật liệu khó khăn, nguồn vật liệu cát khan hiếm. Một số nhà thầu chưa huy động đủ máy móc, thiết bị, tài chính để thi công.

Hàng loạt dự án giao thông giao địa phương chậm tiến độ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ GTVT sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn, đáp ứng tiến độ thi công dự án. Ảnh: Báo GT

Bộ GTVT cam kết bố trí đủ vốn

Trước tình hình nhiều dự án do địa phương phụ trách đang "lụt" tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã khẳng định Bộ GTVT sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn, đáp ứng tiến độ thi công dự án.

"Với tất cả các dự án do Ban QLDA, Sở GTVT các địa phương làm chủ đầu tư có thời gian thi công trong 2 - 3 năm, nếu có thể đẩy được tiến độ, phải tập trung tối đa. Các dự án có thời gian cán đích sau năm 2023 nếu có thể dồn khối lượng công việc, hoàn thành ngay trong năm nay phải cố gắng thực hiện. Bộ GTVT sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn, đáp ứng tiến độ thi công dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đề cập đến các dự án giao thông chậm tiến độ, không hoàn thành năm 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án ngay khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Với các dự án hoàn thành năm 2023, Sở GTVT Hưng Yên, Hà Nam, Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu, … tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, làm “3 ca, 4 kíp”, bố trí đủ mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; khẩn khương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB để hoàn thành dự án theo kế hoạch”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các chủ đầu tư chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí năm 2023.

Theo Phan Trang

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên