Các đô thị đặc biệt tại Việt Nam
Việt Nam có 6 loại đô thị bao gồm đô thị loại I, II, III, IV, V và đô thị đặc biệt. Trong đó, cả nước có 2 đô thị đặc biệt.
- 12-04-2023Tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân lọt top 10 cao nhất Việt Nam
- 12-04-20233 tháng đầu năm, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 511 triệu USD
- 10-04-2023Địa phương có cầu rộng nhất Việt Nam
Theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, tiêu chí xác định đô thị loại đặc biệt bao gồm:
- Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
+ Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;
+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.
- Mật độ dân số:
+ Toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên;
+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:
+ Toàn đô thị đạt từ 70% trở lên;
+ Khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.
- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Hiện nay, Việt Nam có hai thành phố được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt là: Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người; nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng, có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% quy mô GRDP Vùng đồng bằng sông Hồng và 16,2% GDP bình quân cả nước.
Về mục tiêu phát triển kinh tế, Hà Nội phấn đấu phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang là thành phố đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội. Theo Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó mục tiêu đến năm 2030, thành phố tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm.
Đặc biệt, đến năm 2030, thành phố phấn đấu GRDP bình quân đạt khoảng 14.500 USD và trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Cùng với đó, thành phố cố gắng đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD và là điểm đến hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư toàn cầu.
Nhịp sống kinh tế