Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm 2023
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2023.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đàu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án giao thông và xử nghiêm vi phạm làm chậm tiến độ, chất lượng công trình trong năm 2023, nhằm đảm bảo các quy hoạch ngành ở cả 5 lĩnh vực tăng trưởng theo mục tiêu của Chính phủ.
- 03-04-2023Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được giải quyết nguồn vật liệu
- 03-04-2023Loạt dự án điện gió chậm hòa lưới điện: Phơi nắng, chờ gỡ khó
Tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm
Rà soát của Bộ GTVT cho biết, đối với xây dựng cơ bản, 6 dự án trọng điểm quốc gia đã được Bộ GTVT trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đúng tiến độ yêu cầu. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, đã hoàn thành khối lượng công việc lớn để đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 ngày từ đầu năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, theo Bộ GTVT, tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công một số dự án đang chậm so với yêu cầu, nhất là việc bảo trì hạ tầng giao thông kéo dài, chưa xử lý triệt để, nếu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.
Trong năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 và giai đoạn II 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I, dự án đường bộ Chợ Mới - Bắc Kạn…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT ra Nghị quyết với các đơn vị, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ, luồng sông Hậu giai đoạn 2, tuyến đường thủy Kênh Chợ Gạo giai đoạn II; đồng thời, đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025.
Để đảm bảo tiến độ cán đích các dự án trọng điểm, Bộ GTVT sẽ tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan đến tiến độ, chất lượng; nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân làm thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kiên quyết loại bỏ ngay các nhà thầu năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành.
Riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II, đến nay, Bộ GTVT đang huy động gần 2.000 đầu thiết bị, hơn 300 mũi thi công, khoảng 4.000 kỹ sư, công nhân, để bứt tốc tiến độ. Phục vụ thi công hiện trường, 23/25 gói thầu đã phê duyệt bản vẽ thi công, 16/25 gói thầu đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác mỏ vật liệu xây dựng và triển khai công tác thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ.
Tính chung về công tác giải ngân tại các dự án, trong tổng số vốn hơn 45.000 tỷ đồng được Bộ GTVT giao năm 2023, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện đã giải ngân 1.699 tỷ đồng, đạt gần 12%, công tác xây lắp đã giải ngân 5.679 tỷ đồng, đạt hơn 19%, công tác tư vấn, quản lý dự án đã giải ngân 214 tỷ đồng, đạt gần 17%... Ngoài ra, tỷ lệ mặt bằng các địa phương bàn giao cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II hiện đạt tỷ lệ 80%...
Dồn lực giải ngân vốn đầu tư công
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%).
Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%) và là 1 trong 2 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%; trong đó, tập trung ở các dự án cao tốc Bắc Nam, với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của Bộ GTVT.
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Xét theo nhóm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, giá trị giải ngân tập trung giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT. Trong đó, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: Tổng Công ty đầu tư và Phát triển đường cao tốc, Sở GTVT các tỉnh Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lào Cai. Có 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.
Từ nay đến cuối năm 2023, điều kiện thời tiết, giá nguyên vật liệu sẽ đối mặt với nhiều biến động, trong khi tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó lường, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Do vậy, "tối hậu thư" của Bộ GTVT yêu cầu các dự án phải dồn lực thi công ngày đêm, tăng ca kíp thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, sẵn sàng nguồn lực để bứt tốc cán đích; việc lập tiến độ thi công phải đảm bảo tính khả thi, tiến độ phải kiểm soát hàng tuần và kế hoạch giải ngân khẩn trương đối với những dự án hoàn thành sớm trước các hạng mục, đoạn tuyến thuận lợi.
Báo Tin tức