MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt dự án lớn tại Đà Nẵng bất ngờ thay tên đổi chủ

Tiềm năng thị trường bất động sản du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển, không chỉ vậy Đà Nẵng cũng đang có tốc độ phát triển không ngừng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7,1% cao hơn mức trung bình cả nước là 5,5%. Cơ sở hạ tầng đang cải thiện mạnh mẽ với hàng loạt công trình nghìn tỷ chào đón APEC 2017.

Ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng còn đang đón nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi mặt bằng giá BĐS còn “dễ chịu”, trong khi ở Hà Nội và Tp.HCM đang trở nên đắt đỏ. Vì thế, mua bán, sáp nhập các dự án BĐS diễn ra rầm rộ tại Đà Nẵng hơn một năm qua. Những quỹ đầu tư BĐS lớn trên thế giới cũng đã nhắm tới các tài sản có giá trị tại đây.

Theo báo cáo từ Cục Thuế Đà Nẵng, tổng thu ngân sách toàn thành phố trong cân đối (trừ tiền sử dụng đất) tính đến ngày 31-5 gần 7.000 tỷ đồng, đạt 43,8% dự toán địa phương và 43,9% dự toán Trung ương. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động giao dịch BĐS tăng khá. Tính riêng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng BĐS đạt hơn 216 tỷ đồng, thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS đạt 213 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, sau thời gian nhiều dự án ngừng triển khai, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện “làn sóng” đầu tư mới thông qua thay đổi chủ đầu tư. Việc thành phố này vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án “treo” tồn tại nhiều năm nay ở trung tâm thành phố.

Chẳng hạn, Dự án Golden Square có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, do Công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, đã trải qua một giai đoạn khó khăn về đầu tư xây dựng sau khi được khởi công từ tháng 1/2008. Dự án có diện tích lớn và có đến 4 mặt tiền là các đường Phạm Hồng Thái, Yên Bái, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh. Theo thiết kế, dự án gồm 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp, dự kiến hoàn thành năm 2011.

Năm 2016, với sự phát triển trở lại của thị trường bất động sản, dự án Golden Square do Công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư đã chuyển đổi chủ đầu tư. Qua phương án đầu tư mới, dự án vừa được UBND thành phố đồng ý thông qua phương án điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và chấp thuận giao chủ đầu tư mới là tập đoàn Anphanam tiếp tục hoàn thành.

Theo đó, điều chỉnh quy mô Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ Golden Square từ khối chung cư 36 tầng sang căn hộ khách sạn (condotel) với 416 căn và tăng thêm 2 tầng kỹ thuật thang máy. Khối khách sạn 27 tầng, tăng phòng ngủ từ 277 phòng lên 353 phòng và tăng thêm 2 tầng kỹ thuật thang máy. Khối căn hộ 21 tầng, điều chỉnh tầng 6 và tầng 7 từ bất động sản văn phòng cho thuê thành căn hộ. Tổng số căn hộ điều chỉnh là 200 căn, tăng thêm 2 tầng kỹ thuật thang máy.

Dự án Golden Square trùm mền hàng năm trời ngay trung tâm Đà Nẵng
Dự án Golden Square trùm mền hàng năm trời ngay trung tâm Đà Nẵng

Trong khi đó, sau nhiều năm chậm tiến độ, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi, dự án Khu công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng đã bước sang một trang mới với sự có mặt của Công ty CP Trung Nam khi đơn vị này nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ.

Theo đó, Công ty CP Trung Nam vừa có cam kết để phát triển dự án CNTT trình Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố Đà Nẵng. Theo nội dung cam kết, Công ty CP Trung Nam nhận chuyển nhượng 65% cổ phần DITP (Công ty CP Khu CNTT) từ tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ.

Trong thời hạn 30 ngày được UBND thành phố có văn bản đồng ý chủ trương cho phép thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án, DITP sẽ thanh toán cho thành phố Đà Nẵng các khoản tiền phải nộp theo thông báo của Cục Thuế gồm: tiền thuê đất thô 50 năm, thuế tài nguyên. Cùng với khoản thanh toán nói trên, DITP với sự tham gia của nhà đầu tư mới sẽ thanh toán chi phí rà phá bom mìn và chuẩn bị đầu tư 400.000 USD theo thỏa thuận nguyên tắc được ký giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng vào tháng 10-2011.

DITP cũng sẽ thanh toán cho ngân sách thành phố số tiền giải tỏa đền bù và tái định cư 2.250.000 USD trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh thông tin nhà đầu tư của dự án, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh.

Việc chuyển đổi chủ đầu tư sẽ mang lại sự thay đổi trong sự phát triển của dự án Khu CNTT đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển. Theo tiến độ, đến cuối tháng 6/2018 sẽ hoàn thành hạng mục san nền và cuối năm 2018 đưa dự án vào hoạt động.

Dự án Khu Công nghệ Thông tin tập trung Đà Nẵng đã chính thức về tay Trung Nam
Dự án Khu Công nghệ Thông tin tập trung Đà Nẵng đã chính thức về tay Trung Nam

Trước đó, ngày 25/4/2017, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland) cũng đã nhận chuyển nhượng thêm phần vốn góp trị giá 1.939 tỷ đồng từ Công ty TNHH BĐS Gia Đức.Theo đó, Tập đoàn Novaland chủ động định hướng tiếp tục tăng thêm quỹ đất, trong đó có dự án phức hợp The Sunrise Bay- Khu đô thị Đa Phước có quy mô 181ha tại thành phố Đà Nẵng.

Hiện Novaland tham gia trực tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, quản lý toàn bộ việc xây dựng, phát triển và vận hành dự án The Sunrise Bay. Khi đi vào hoạt động, The Sunrise Bay- Khu đô thị Đa Phước sẽ là dự án tiêu biểu trong đầu tư phát triển đô thị hiện đại ở Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng Giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai, tiết lộ rằng ngoài khu đất rộng hàng chục ha đang thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại đường 2/9, TP. Đà Nẵng, công ty đã đàm phán mua lại hơn 80% diện tích đất của một dự án giáp ranh dự án. Theo đó, công ty đang tiếp tục thương thảo để mua 100% dự án này để chuẩn bị cho chiến lược đầu tư khu đô thị trải dài dọc bờ sông Hàn (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý).

Song song đó, Quốc Cường Gia Lai đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dự kiến trong đầu quý 4/2017 sẽ triển khai xây dựng khu biệt thự trên một khu đất rộng gần 50 ha được mua lại từ một đối tác trong nước. Dự án tọa lạc ngay đầu đường Phạm Văn Đồng, nằm rất gần cầu quay sông Hàn.

“Nhu cầu mua căn hộ và biệt thự tại Đà Nẵng đang tăng trưởng mạnh trong năm nay. Có nhiều yếu tố góp phần tạo ra kết quả này mà du lịch có lẽ là nhân tố chủ lực nhất. Bởi Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến nổi tiếng với cả khách du lịch trong nước cũng như quôc tế, theo như con số báo cáo gần nhất về lượt du khách đến Đà Nẵng nửa năm 2017”, ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho biết.

Do đó, cũng theo vị chuyên gia này, thị trường Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ con số khách du lịch đến thành phố xinh đẹp này ngày càng tăng lên và cũng nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp giàu có ở địa phương. Hoạt động M&A các dự án BĐS trên địa bàn sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, bởi quỹ đất của Đà Nẵng không nhiều và tâm lý của các nhà đầu tư là luôn muốn săn những "xác chết" để tiếp tục quá trình đầu tư, chứ không muốn mất quá nhiều thời gian thực hiện thủ tục từ đầu.

Trần Đình

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên