Hàng loạt hãng ô tô chần chừ làm xe điện
Người tiêu dùng chịu thiệt khi không có nhiều thương hiệu ô tô thuần điện trong nước để lựa chọn
- 30-05-2024Không phải BYD, một ông lớn ô tô Trung Quốc lần đầu tiên lọt top 10 vua doanh số thế giới, vượt mặt Mercedes, BMW
- 29-05-2024Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD
- 29-05-2024Tiêu hủy số lượng lớn xe máy điện, phụ kiện ô tô không rõ nguồn gốc
Trong khi các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan đã phát triển ô tô điện mạnh mẽ thì tại Việt Nam, nhiều hãng xe chưa mặn mà sản xuất dòng xe thân thiện với môi trường này.
Lo hụt nguồn thu lớn từ xe xăng
Không chỉ thiếu vắng các mẫu ô tô thuần điện, thị trường Việt Nam cũng khan hiếm xe hybrid (xe lai xăng và điện). Hiện mới chỉ có hãng Toyota mở bán 6 mẫu hybrid và Honda ra mắt mẫu xe lai duy nhất là CR-V.
Hãng xe Toyota giải thích do điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, hiện trạng ngành công nghiệp và nhu cầu thị trường còn hạn chế nên hãng chưa thể mở bán ô tô thuần điện tại Việt Nam. Trong khi đó, trên thị trường toàn cầu, hãng này cung cấp gần như đầy đủ các dòng hybrid, hybrid sạc ngoài, thuần điện, điện pin nhiên liệu. Tương tự, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, ông Ruchik Shah, cũng xác nhận khi nào Việt Nam giải quyết được vấn đề trạm sạc thì hãng mới xây dựng kế hoạch kinh doanh xe điện.
Theo TS Nguyễn Thành Tâm, giảng viên Bộ môn Ô tô Trường ĐH Quy Nhơn, đầu tư hệ thống trạm sạc rất tốn kém nên nhiều hãng ô tô có tâm lý chờ đợi nhà nước hoặc hãng khác đầu tư sẵn để hưởng "ké" cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, hầu hết hãng xe tại Việt Nam chưa mạnh dạn phát triển xe điện.
Trong khi đó, nhiều nhà phân phối cho rằng các hãng không vội phát triển xe điện là vì muốn tiếp tục thu lợi từ kinh doanh xe xăng, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi. Theo ông Võ Minh Nam, chủ đại lý ô tô ở TP Thủ Đức (TP HCM), thời gian qua, doanh số bán ô tô sụt giảm mạnh, các hãng chấp nhận bán lỗ đối với những mẫu tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện xe xăng lại khá lớn nên hãng và đại lý đều cơ bản cầm cự được. "Ô tô động cơ đốt trong có nhiều linh kiện cần thay thế, bảo dưỡng với chi phí lớn. Nếu kinh doanh xe điện thì coi như hụt nguồn thu này" - ông Nam giải thích.
Ông Nguyễn Vũ Triều, chủ garage ô tô ở quận Bình Tân (TP HCM), cho hay xe điện có hệ thống động cơ khá đơn giản, chỉ gồm khối pin và mô-tơ. Trong đó, pin được bảo hành trong thời gian khá dài, còn mô tô rất ít hư hỏng. Chưa kể, chi phí bảo dưỡng xe điện cũng khá thấp so với xe xăng. Nhận thấy không có nhiều lợi ích nếu sản xuất và kinh doanh ô tô điện, các hãng và đại lý đều chưa chuyển đổi.
Chậm chân chắc chắn chịu thiệt
Trong khi các hãng ô tô tại Việt Nam trì hoãn triển khai kế hoạch sản xuất xe điện thì dự báo làn sóng ô tô điện Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm tới. "Sau khi các hãng xe điện Trung Quốc nắm lợi thế lớn về thị phần, định hình mức giá phù hợp trên thị trường, hãng xe trong nước dù có "bừng tỉnh" và trở mình ngay thì cũng không kịp. Người tiêu dùng bị thiệt bởi xe điện sản xuất trong nước không nhiều, chỉ có xe Trung Quốc để lựa chọn" - ông Trương Thuận Nhân, chủ đại lý ô tô ở quận Gò Vấp (TP HCM), phân tích.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, lưu ý các hãng xe nếu chậm chân sẽ mất thị trường. Thực tế, nhiều hãng xe nước ngoài đang "dòm ngó" thị trường xe điện Việt Nam, nếu thấy tín hiệu tốt sẽ "nhảy" vào trước và chiếm lĩnh thị phần. "Với thị trường xe điện, hãng nào đi trước thì hưởng lợi, đi sau sẽ mất lợi thế bởi chỉ cần 3 tuần là đã hoàn thành tất cả thủ tục để nhập xe về" - ông Chung cảnh báo.
Cũng theo ông Chung, một lý do cũng rất quan trọng khiến các hãng chưa ra mắt xe điện ở thị trường Việt Nam là bởi cần thêm thời gian khấu hao mảng kinh doanh xe xăng. Sau khi các hãng thu hồi vốn, chắc chắn thị trường sẽ bước sang giai đoạn chuyển đổi sôi động. "Ở Trung Quốc, nhiều nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng không bán được sản phẩm và phải đóng cửa vì thị trường xe điện phát triển quá nhanh" - ông Chung dẫn chứng.
Người lao động