MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt mặt hàng tăng giá: Hiện hữu nguy cơ lạm phát

Nhiều mặt hàng thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, tới xăng dầu liên tục tăng giá trong khi “hầu bao” của nhiều người dân có thu nhập thấp vẫn phải thắt chặt vì dịch bệnh đã khiến nguy cơ lạm phát bắt đầu len lỏi trong đời sống của người dân cũng như nền kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Bích, chủ cửa hàng tạp hóa tại Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 1/2022, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, sữa, gạo… liên tục tăng giá. Mỗi thùng sữa tươi tăng 5-10 nghìn đồng; dầu ăn tăng giá 3 đợt, gạo tăng 5-7 nghìn đồng/yến (tùy loại gạo).

“Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng liên tục khiến lượng hàng bán ra giảm so với trước đây. Người mua cũng ngày càng tiết giảm chi tiêu. Nhiều khách hàng đổi sữa cho con từ loại giá cao, hàng nhập khẩu sang dùng sữa nội trong nước. Với dầu ăn, gạo, khách mua cũng dần chuyển sang chọn loại ít tiền hơn”, chị Bích cho biết.

Hàng loạt mặt hàng tăng giá: Hiện hữu nguy cơ lạm phát - Ảnh 1.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống của gần như toàn bộ người dân

Theo chị Phạm Thị Hiền, giáo viên mầm non tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), dịch bệnh khiến nhiều giáo viên như chị rơi vào cảnh thất nghiệp, sinh hoạt phí cả gia đình trông chờ vào tiền lương của chồng. Vốn đã phải co kéo cho đủ chi tiêu, thực phẩm tăng giá khiến chị càng phải cố gắng mới đủ sinh hoạt cho cả gia đình.

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

“Sau Tết, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng đã tăng giá. Người bán lấy lí do, giá xăng dầu tăng nên tăng giá bán bù vào phí vận chuyển. Trong khi đó, công việc chưa phục hồi nên những người nội trợ như tôi phải cố gắng co kéo lo đủ cho bữa ăn gia đình. Chi phí khác chưa cần thiết như mua sắm quần áo đều cắt giảm tối đa”, chị Hiền chia sẻ.

Khảo sát giá tại các chợ dân sinh khu vực Hà Nội: Kim Liên, Nam Đồng, Thái Hà, Nguyễn Công Trứ chúng tôi thấy, dư âm Tết, Rằm tháng Giêng và giá xăng tăng đang khiến giá nhiều mặt hàng giữ ở mức cao hơn so với trước Tết. Trong đó, rau xanh giữ giá cao: súp lơ 15.000 đồng/cái, cà rốt 15.000 đồng/kg, xà lách 50.000 đồng/kg.

Giá hoa quả cũng tiếp tục tăng, theo lý giải của tiểu thương, giá tăng chủ yếu do cước vận chuyển tăng. Các loại quả từ phía Nam chuyển ra các tỉnh phía Bắc như roi, xoài, cam…, giá trung bình tăng khoảng 10 - 20%.

Trên thực tế sự tăng giá đồng loạt của hàng hóa đã được Tổng cục Thống kê ghi nhận với 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá trong tháng 1/2022. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,08% do giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao. Mặt hàng chế biến từ lương thực như miến, mì sợi, mì phở, cháo ăn liền cũng tăng 0,34%.

Hàng loạt mặt hàng tăng giá: Hiện hữu nguy cơ lạm phát - Ảnh 2.

Giá xăng tăng đã “phả” hơi nóng vào nhiều dịch vụ, hàng hóa. Ảnh: Việt Linh


Một trong những mặt hàng tác động mạnh nhất đến cuộc sống người dân và nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao là xăng dầu. Do tác động của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước đã lên mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

“Lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Xăng dầu kéo giá hàng hóa khác tăng đồng loạt

Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm, ngay lập tức đã làm tăng giá cước, giá dịch vụ. Các ứng dụng Grab, ShopeeFood đều đang áp dụng thêm phí dịch vụ 2.000 đồng/đơn hàng, với giải thích để giúp ứng dụng duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, khích lệ tài xế.

Ngày 11/2, giá xăng RON 95 vượt mốc 25.000 đồng/lít, tăng gần 8.700 đồng so với đầu năm 2021. Đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành vừa qua cũng đồng loạt tăng. Dầu diesel lên mức 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.

Là đầu vào quan trọng cho sản xuất ở nhiều lĩnh vực, giá xăng tăng kéo theo áp lực tăng giá ở nhiều nhóm hàng, dịch vụ. Giá cước của các ứng dụng giao hàng cao hơn 10 - 20% so với tháng 1. Chiều 16/2, chị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội) đặt giao hàng từ nơi cách nhà chị hơn 5km trên một ứng dụng với giá cước 34.000 đồng. Thời điểm đặt đơn không phải lúc cao điểm, tan tầm, nhưng giá cước vẫn tăng gần 15% so với trước đó.

Dù không thông báo tăng giá cước, nhưng các ứng dụng Grab, ShopeeFood đều đang áp dụng thêm phí dịch vụ 2.000 đồng/đơn, với giải thích để giúp ứng dụng duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, khích lệ tài xế. Theo các tài xế, với thu nhập được hưởng 80% doanh thu mỗi đơn, trừ thuế, phí dịch vụ…, họ nhận về gần 18.000 đồng. “Giờ 50.000 đồng chưa mua được 2 lít xăng, trả phí ứng dụng, điện thoại,... thu nhập của chúng tôi vẫn kém hơn trước”, anh Nguyễn Văn Anh, tài xế giao hàng công nghệ tại Hà Nội cho biết.

Còn với các doanh nghiệp vận tải, thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10-20%, giá cước sẽ được điều chỉnh từ 3,5 đến 10%, tùy theo sự biến động.

Trong báo cáo gần đây, Cục Quản lý giá cũng nhận định trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhằm ổn định giá bán sản phẩm phù hợp với chi phí đầu vào, từ ngày 12/2 một số doanh nghiệp sản xuất thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán các chủng loại thép cuộn và thép cây, mức tăng khoảng 300.000 đồng/tấn.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm đánh giá, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào quan trọng của hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Vì vậy, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

“Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Giá xăng dầu tăng 10% làm GDP Việt Nam giảm khoảng 0,5 %. Khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá, chính sách thuế đang triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng”, ông Lâm cảnh báo.

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Lạm phát là một trong những yếu tố tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Rút kinh nghiệm từ hậu quả nặng nề khi mất cân đối vĩ mô của giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây, việc kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ và cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Song song với tăng trưởng kinh tế, giải pháp kiểm soát lạm phát được Tổng cục Thống kê báo cáo, đề xuất Chính phủ theo từng tháng, từng quý.

“Giá nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng. Do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, thông qua tăng cường hợp tác với chính phủ các nước giàu tài nguyên. Hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát”, Tổng cục Thống kê kiến nghị.

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Một trong những yếu tố tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới là nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668 tỷ USD, bằng 230% GDP. Chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế Việt Nam lên tới 37%.

Theo Ngọc Linh - Việt Linh

Tiền phong

Trở lên trên