MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng trong quý 1/2020

22-04-2020 - 07:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Không chỉ nợ xấu nội bảng tăng mà việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ tại VAMC cũng chậm lại trong quý 1 năm nay ở nhiều ngân hàng.

Đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Trong khi năm ngoái tăng đồng đều, bức tranh lợi nhuận quý 1 năm nay lại rất nhiều màu sắc, có ngân hàng tăng trưởng âm, có ngân hàng tăng nhẹ, cũng có ngân hàng tăng theo cấp số nhân. Song về nợ xấu, phần lớn những ngân hàng này có nợ xấu tăng.

Trường hợp đáng chú ý nhất là tại Kienlongbank, nợ xấu của ngân hàng bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần. Theo đó, Kienlongbank từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.

Sự thay đổi đột ngột này là do nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng tới 9 lần lên 2.127 tỷ đồng. Theo Kienlongbank, trong số 2.127 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Được biết, số cổ phiếu này chính là cổ phiếu của ngân hàng Sacombank. Kienlongbank đã rao bán số cổ phiếu này kể từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa thành công.

Một ngân hàng khác có nợ xấu tăng khá mạnh là TPBank. Nợ xấu của TPBank cuối tháng 3 là 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm; trong khi đó, dư nợ cho vay tăng 5% lên 100.509 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,29% lên 1,87%.

Tại ngân hàng nhỏ khác là Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Trong khi đó, những ngân hàng lớn cũng có nợ xấu tăng, nhưng không nhiều. Chẳng hạn, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối tháng 3 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Đáng lưu ý, dường như hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang chậm lại so với năm ngoái khi lãi từ hoạt động khác của ngân hàng sụt giảm mạnh 76,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu tại VAMC cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt nào.

Hay tại Vietcombank, nợ xấu cuối tháng 3/2020 tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 5.191 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ 0,79%.

Bên cạnh những ngân hàng nói trên, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý 1/2020, như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%,...

VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.

Nhìn chung, nợ xấu có tăng lên ở nhiều ngân hàng trong quý 1/2020, tuy nhiên hầu hết mức tăng chưa phải là mạnh. Một phần cũng là nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 3, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH là 1.400 tỷ).

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của NHNN thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay, và đưa ra 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý 2 và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020.

KỊch bản thứ 2, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và được kiểm soát trong quý 2, nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2 và 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên