Hàng loạt ngân hàng "đua nhau" giảm lãi suất cho vay, lãnh đạo nói gì?
Hàng loạt ngân hàng đã lần lượt công bố giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn Việt Nam đồng về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.
- 13-07-2017Đồng loạt giảm lãi suất: Chờ sự bùng nổ dòng tiền
- 12-07-2017Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh với kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần
- 12-07-2017Lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm?
Giảm lãi suất: Ngân hàng cổ phần đã nhanh chân hơn cả khối quốc doanh
Ngay sau thông báo về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% kể từ ngày 10/7 và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng, các ngân hàng cổ phần đã nhanh chân nhập cuộc.
Mới đây, Ngân hàng SHB vừa ban hành quyết định số 1389/2017/QĐ-TGĐ về việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tại Khoản 2, Điều 13, Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN.
Theo chủ trương của NHNN, SHB cho biết đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Chính phủ và NHNN gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tiên phong cho làn sóng giảm lãi suất phải kể đến LienVietPostBank. Cụ thể, kể từ ngày 8/7/2017, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.
Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định (từ ngày 10/7).
Sau LienVietPostBank, VPBank là ngân hàng thứ hai điều chỉnh lãi suất cho vay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành. VPBank công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Mức lãi suất mới này áp dụng từ 10/7.
Cuối ngày 10/7, Sacombank cũng phát đi thông báo cho biết chính thức giảm lãi suất cho vay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Sacombank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngay sau đó, là sự vào cuộc của các ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng BIDV cũng quyết định áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN.
Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV như vụ vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giảm lãi suất thêm 0,5% tức chỉ còn tối đa 6%/năm. Đặc biệt nếu doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung được giảm thêm 0,5% nữa, với mức lãi suất cho vay tối đa 5,5%/năm.
Tương tự, kể từ ngày 10/ 7,Vietcombank lập tức giảm lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên với mức điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh, Vietcombank triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay ngành cấp nước sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (quy mô 10 nghìn tỷ); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay phát triển ngành y tế (quy mô 30 nghìn tỷ)
Cùng thời điểm, VietinBank cho biết sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp nhất ở mức 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.Đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND là 6,5%/năm.
Agribank - ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70%/tổng dư nợ và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng cũng công bố kể từ ngày 10/7/2017, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Ngân hàng cho biết trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến 31/5/2017, Agribank có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 965 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt hơn 800 nghìn tỷ đồng.
Sẽ khơi thông dòng vốn tín dụng tốt hơn
Theo đánh giá của giới quan sát, việc các ngân hàng giảm lãi suất, đầu tiên sẽ giúp bản thân các ngân hàng khơi thông dòng vốn tín dụng tốt hơn, tiếp đó là góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất bên cạnh chính sách mới về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8 sẽ giúp hệ thống ngân hàng dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay dù rằng 6 tháng đầu năm dòng vốn còn chảy chậm.
"Giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn Việt Nam đồng về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên là cam kết của ngân hàng trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Văn Lê –Tổng giám đốc SHB khẳng định về quyết định giảm lãi suất của ngân hàng này.
Lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết, việc giảm lãi suất này sẽ góp phần cung ứng nguồn vốn đến với các cá nhân, doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên nhanh chóng và kịp thời hơn, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay gia tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị phần. Và với các chương trình này, dự kiến đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay của Sacombank trong 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm 6 tháng đầu năm.
Một lãnh đạo ngân hàng phía Nam cũng cho biết nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về thực hiện các giải pháp về lãi suất đồng thời căn cứ từ tín hiệu thị trường, cũng như tiếp tục tiết giảm chi phí, lợi nhuận… ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất để giúp khách hàng có giá vốn tốt hơn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN lý giải trên cơ sở đánh giá diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm, tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ 2016, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội giao; hoạt động ngân hàng, thanh khoản của các TCTD có diễn biến tích cực, để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, NHNN quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất và khả năng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các TCTD chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng mức phí cho vay hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các TCTD giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu.
Vị đại diện NHNN cũng cho biết thêm trong thời gian tới, đồng bộ với giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của NHNN về lãi suất.