Hàng loạt thủy điện “chết lâm sàng” ở huyện nghèo Đăk Glei, Kon Tum
Hàng loạt các dự án thủy điện ở huyện biên giới Đăk Glei, Kon Tum đều chậm tiến độ, “chết lâm sàng” và thậm chí suýt gây ra thảm họa.
Những năm vừa qua, trong “phong trào” phát triển thủy điện, tại huyện nghèo biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có tới 11 dự án với tổng công suất trên 150MW. Tỉnh Kon Tum kỳ vọng các dự án này sẽ phát huy được tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế xã hội huyện nghèo Đăk Glei phát triển.
Nhà điều hành thủy điện Đăk Mi 1 cửa đóng then cài từ nhiều năm nay.
Thế nhưng đến nay hơn 10 năm đã trôi qua mới chỉ có duy nhất một thủy điện xây dựng xong với công suất vỏn vẹn 7MW. Các dự án còn lại đều chậm tiến độ, “chết lâm sàng” và thậm chí suýt gây ra thảm họa.
Liên tục trong nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum, đại biểu Y Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei đều chất vấn Sở Công thương tỉnh này về những tồn tại của dự án thủy điện Đăk Mi 1 do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư.
Theo bà Thanh, hơn 10 năm qua, việc Công ty hầu như không triển khai thực hiện dự án đã đẩy cuộc sống của những hộ dân trong vùng quy hoạch xây dựng thủy điện vào cảnh bấp bênh.
“Dự án này thực hiện đã làm ảnh hưởng đến 32 hộ dân của thôn Kon Năng và Bê Rê, xã Đăk Choong. Hiện tại các hộ dân này muốn làm nhà để ổn định cuộc sống thì các vị trí này đã quy hoạch làm thủy điện. Dự án tái định cư cho dân đến nay không thấy thực hiện như đã cam kết. Lãnh đạo Công ty không có mặt tại hiện trường, rất khó khăn khi địa phương phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân”, bà Thanh nêu ý kiến.
Những ngôi nhà dột nát của người dân thôn Kon Năng. |
Những gì đang diễn ra tại dự án thủy điện Đăk Mi 1 ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei còn tệ hơn rất nhiều so với thông tin mà đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum Y Thanh phản ánh.
Dưới nắng nóng như thiêu đốt của mùa hè, các hộ dân thuộc diện di dời phải trú ngụ trong những ngôi nhà thấp lè tè. Hơn 10 năm qua dù nhà cửa xuống cấp dột nát, người dân không thể xây nhà vì vướng thủy điện và cùng với đó là sản xuất đình trệ. Đằng đẵng sống trong tâm trạng chờ đợi tái định cư, tái định canh, cuộc sống của 32 hộ dân ở hai thôn Kon Năng và Bê Rê ngày càng đi vào ngõ cụt.
Anh A Chép, thôn trưởng Kon Năng cám cảnh: “Trong 10 năm qua đất lòng hồ của Công ty đã bị ảnh hưởng, bà con không được trồng cây lâu năm. Công ty cũng có kết hợp với xã xuống thôn làm biên bản, làm quy hoạch đất để san ủi mặt bằng cho thôn. Nhưng cứ hứa tháng này đến tháng kia đến bây giờ chưa thấy san ủi mặt bằng cho thôn để làm nhà cửa. Hiện tại nhà cửa của bà con cũng đã hư hỏng rất nặng, trong 10 năm không được sửa chữa nhà”.
Trong 11 dự án thủy điện ở huyện Đăk Glei, 8 dự án đã có chủ trương đầu tư với tổng công suất hơn 137MW và 3 dự án chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 15MW. Đến nay qua hơn 10 năm, ở huyện này mới chỉ có duy nhất dự án Đăk Bru 1, ở xã Đăk Nhoong công suất 7MW hoàn thành đưa vào vận hành khai thác.
Thủy điện Đăk Mek 3 sau sự cố vỡ đập để lại nhiều hệ lụy. |
Có tới 3 dự án thủy điện tập trung trên địa bàn, Đăk Choong là xã chịu nhiều hệ lụy nhất mà “phong trào” quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện gây ra ở huyện Đăk Glei.
Trong khi 2 dự án Đăk Mi 1, Đăk Mi 1A do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư, tổng công suất thiết kế 95MW rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” đến nay đã hơn 10 năm, thì thủy điện Đăk Mek 3 khiến người dân và chính quyền địa phương một phen hú vía.
Công trình thủy điện này có công suất thiết kế 7,5MW do Công ty Cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư. Ngày 22/11/2012 xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện ngay trước thời điểm tích nước. Công trình giờ thành gánh nặng đối với môi trường, đối với công tác quản lý và thành cục nợ xấu mà Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Kon Tum chưa biết bao giờ mới xử lý được.
Có một thực tế trớ trêu, là kể từ khi các dự án thủy điện ở huyện Đăk Glei được trao vào tay các nhà đầu tư, chính quyền cơ sở và ngành chức năng địa phương rơi vào cảnh “đuổi hình bắt bóng” mỗi khi muốn làm việc với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Trúc, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đăk Glei, nêu ví dụ cụ thể về thái độ của chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi 1A.
“Liên quan đến thủy điện này thì Huyện cũng như góc độ cơ quan chuyên môn của Phòng Kinh tế Hạ tầng đã nhiều lần trao đổi trực tiếp cũng như bằng văn bản với Công ty. Tuy nhiên tinh thần hợp tác cũng như phối hợp của Công ty không cao. Công ty chủ yếu cử những người đại diện chứ không cử lãnh đạo của Công ty làm việc trực tiếp với huyện nên công tác phối hợp với huyện để đẩy nhanh tiến độ dự án gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trúc nói.
Hoang tàn ở dự án thủy điện Đăk Mak 3. |
Tại kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI diễn ra mới đây, trước ý kiến chất vấn của đại biểu, giống như nhiều kỳ họp trước, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum chủ yếu dừng lại ở việc báo cáo tình hình. Cũng đã có một vài giải pháp được đưa ra để tăng cường công tác quản lý và chấm dứt những hệ lụy mà các dự án thủy điện gây ra ở huyện nghèo Đăk Glei song cũng khá chung chung.
“Sở Công thương chúng tôi tiếp tục chủ trì cùng với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như là huyện Đăk Glei nói riêng. Hướng dẫn và đề nghị các chủ đầu tư phải báo cáo kế hoạch cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nhất cho hay.
Hậu quả của việc làm thủy điện theo “phong trào”; quy hoạch ồ ạt, lỏng lẻo trong công tác quản lý; trao nhầm dự án thủy điện vào tay doanh nghiệp vừa yếu chuyên môn, vừa thiếu tiềm lực tài chính đang để lại nhiều hậu quả cả về kinh tế và xã hội ở huyện nghèo Đăk Glei của tỉnh Kon Tum.
Thực tế phát triển thủy điện ở địa phương này trong hơn 10 năm qua cũng cho thấy, không những không phát huy được tiềm năng thế mạnh mà các dự án thủy điện còn đang để lại nhiều hệ lụy cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương và chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong hậu quả./.
VOV