MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng ngàn trường mầm non ''biến mất'' trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở

20-03-2022 - 16:14 PM | Xã hội

Hàng ngàn trường mầm non ''biến mất'' trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở

"Tôi rất yêu nghề, yêu cơ sở nhưng không giải thể trường thì không còn cách nào khác... ", chị Hạnh chia sẻ.

"Vỡ nợ" vì vay mượn khắp nơi mở cơ sở mầm non

Do tác động của đại dịch Covid-19, trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể là thông tin bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra tại phiên giải trình với Quốc hội cuối tháng 2/2022.

Nếu tính cả các nhóm, lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ bị giải thể thì con số có thể lên tới hàng ngàn.

Trong đó, trên địa bàn thủ đô Hà Nội, hệ thống các trường mầm non tư thục cũng như công lập phải dừng dạy trực tiếp kéo dài nhất cả nước. Điều này gây ra những hệ luỵ vô cùng lớn đối với hệ thống các trường mầm non tư thục bởi phải dựa vào nguồn vốn tự chủ.

Do dịch kéo dài và mất thu nhập, nhiều giáo viên mầm non tư thục phải kiếm thêm các công việc khác để duy trì cuộc sống.

 Hàng ngàn trường mầm non biến mất trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở - Ảnh 1.

Ghi nhận của PV, trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội có tới hàng trăm cơ sở mầm non tư thục cửa đóng then cài trong một thời gian dài.

Chị Mỹ Hạnh tâm sự, vào đầu năm 2018 vợ chồng chị vay mượn 2 bên họ hàng để mở cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm.

Căn nhà vợ chồng chị Hạnh thuê mở trường cao 4 tầng, mỗi mặt sàn rộng gần 110m2, tiền thuê nhà lên tới hơn 60 triệu/tháng. Khi cơ sở bắt đầu ổn định thì dịch bệnh ập tới.

"Vợ chồng tôi lúc đó phải vay mượn khắp nơi mới mở được cơ sở nên khi gặp dịch chỉ trụ thêm được 6 tháng phải giải thể. Do ảnh hưởng của dịch nên trang thiết bị dù còn rất mới nhưng thanh lý cũng không được bao nhiêu tiền. Có thể nói vợ chồng tôi bị "vỡ nợ" khi mở cơ sở mầm non tư thục...", chị Hạnh chia sẻ.

 Hàng ngàn trường mầm non biến mất trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở - Ảnh 2.

Các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phường Hoàng Liệt khu gần chung cư HH Linh Đàm hầu hết thuê lại các căn hộ dạng biệt thự với mức chi phí thuê nhà rất lớn.

Sau đó, vợ chồng chị Hạnh mở quán cà phê ở quận Hà Đông nhưng cũng liên tiếp phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chị Hạnh tâm sự, việc mở cơ sở mầm non tư thục là ước mơ từ nhiều năm trước của chị. Khi cơ sở một tay chị gây dựng đi vào hoạt động, 2 vợ chồng rất vui, hạnh phúc nhưng sau đó phải giải thể khiến chị buồn, ảnh hưởng tâm lý một thời gian dài.

"Tôi rất yêu nghề, yêu cơ sở nhưng không giải thể trường thì không còn cách nào khác, đó là điều bắt buộc. Lúc trường mới giải thể tôi nhiều đêm mất ngủ vì tiếc cho thành quả mà mình vun đắp....", chị Hạnh tâm sự.

Bán đất nuôi hi vọng mở cửa

Còn chị Trần Tuyến, chủ 2 cơ sở mầm non tư thục cho biết, trong 2 năm qua chị phải gồng gánh rất nhiều để có thể giữ lại 2 cơ sở này.

 Hàng ngàn trường mầm non biến mất trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở - Ảnh 3.

Do đóng cửa quá lâu khiến phía sau cánh cổng của một cơ sở mầm non ở quận Hoàng Mai phủ dày một lớp lá khô.

Theo chị Tuyến, năm đầu của đại dịch Covid-19, chủ nhà giảm tiền nhà 5 triệu/tháng. Đến năm ngoái, họ thấu hiểu được khó khăn mà chị đang gánh nên đã giảm 50% tiền thuê nhà.

Tuy nhiên, chị Tuyến vẫn phải bỏ ra hơn 100 triệu/tháng để nộp tiền thuê nhà cho 2 cơ sở.

"Tôi đã phải bán đi miếng đất để có thể duy trì được 2 cơ sở của mình với hi vọng có thể mở cửa hoạt động trong thời gian tới...", chị Tuyến bộc bạch.

Theo chị Tuyến, ngành mầm non tư thục "dễ tổn thương" do ảnh hưởng của dịch bệnh vì dựa vào vốn tự thân của chủ cơ sở. Cơ sở không có học sinh sẽ không có nguồn thu.

Chị chia sẻ, 2 cơ sở chị gây dựng có khoảng 20 giáo viên đứng lớp, các giáo viên người nước ngoài thì họ đã về nước còn giáo viên trong nước thì những tháng đầu mới nghỉ dịch chị cũng hỗ trợ lương tháng.

Nhưng sau đó, do nghỉ dịch kéo dài, nhà trường không có thu nhập nên các giáo viên phải làm thêm nhiều nghề để kiếm sống và thậm chí là phải bỏ nghề.

"Có giáo viên mình lấy hàng khô về cho họ bán online, còn có người thì họ tìm được công việc khác phù hợp hơn trong thời gian rảnh rỗi.

Như cơ sở của tôi còn giữ lại được nhiều giáo viên chứ nhiều nơi bây giờ có mới cửa trở lại cũng chưa chắc đã tuyển được giáo viên đứng lớp...", chị Tuyến nói.

 Hàng ngàn trường mầm non biến mất trong đại dịch- chủ trường phải bán đất để giữ cơ sở - Ảnh 4.

Lâu ngày không hoạt động nhiều trang thiết bị trong trường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Chị Tuyến mong muốn trong thời gian tới các cấp chính quyền có thể cho trường mầm non tư thục hoạt động trở lại.

"Nếu tới tháng 9 này mà không được mở cửa thì tôi phải giải thể trường bởi không theo tiếp được, tiềm lực kinh tế đến giờ này cũng cạn kiệt rồi...", chị Tuyến bộc bạch.

Chủ cơ sở này cho biết thêm, nếu sắp tới được mở cửa thì việc sửa chữa lại cơ sở cũng rất tốn kém, bên cạnh đó thì lượng học sinh tới trường không còn được đông như trước cũng là một bài toán được đặt ra.


https://soha.vn/chu-co-so-mam-non-tu-thuc-o-ha-noi-toi-nhieu-dem-mat-ngu-20220319170540771.htm

Theo Hoàng Hải

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên