Hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhật Bản đổ về một khu công nghiệp 'màu mỡ' bậc nhất phía Bắc
Dự án trị giá 57 triệu USD, tương đương 1.400 tỷ đồng từ một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lâu đời tại Nhật Bản.
- 12-03-2024Điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển khoa học, đồng bộ
- 12-03-2024Tỉnh nghèo miền núi vươn lên trở thành "hiện tượng", xuất hiện nhiều "tỷ phú nông dân"
- 12-03-2024Lĩnh vực đặc biệt của Việt Nam sẽ sớm đạt 2,1 tỷ USD, Mỹ ra khuyến nghị đầu tư
Chiều 11/3, tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất để triển khai dự án đầu tư tại KCN Sông Khoai.
Theo đó, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long sẽ cho Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam thuê lại quyền sử dụng đất với diện tích 3ha tại KCN Sông Khoai để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính.
Dự kiến Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào giữa năm 2025 và đi vào hoạt động sản xuất vào đầu tháng 1/2026 với công suất thiết kế 930 tấn sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư 57 triệu USD, tương đương gần 1.400 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản, việc IKO Thompson Việt Nam có mặt tại KCN Sông Khoai là tín hiệu tích cực để trong thời gian tới nơi đây tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
KCN lớn tại thị xã sắp lên thành phố
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 352/QĐ-TTg (ngày 29/3/2018) và được Ban Quản lý KKT Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 29/3/2018, cấp chứng nhận thay đổi lần thứ ba ngày 17/4/2020, với tổng vốn đầu tư 155,5 triệu USD (tương đương 3.535 tỷ đồng).
KCN Sông Khoai được quy hoạch với diện tích sử dụng đất 714ha, chia thành 5 giai đoạn GPMB và đầu tư, kết thúc đầu tư hạ tầng vào năm 2026. Tính đến tháng 12/2023, KCN này được thị xã Quảng Yên triển khai công tác GPMB ở 4 giai đoạn và đã hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư đối với 385,72/714ha, đạt 54,02%.
Song song với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư KCN Sông Khoai cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn trên tinh thần định hướng phát triển của tỉnh, lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch.
Hết năm 2023, KCN Sông Khoai đã thu hút được 15 dự án FDI thứ cấp, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2,3 tỷ USD, tổng diện tích sử dụng đất 132,5ha, suất vốn đầu tư bình quân 17,98 triệu USD/ha đất công nghiệp. Riêng trong năm 2023, KCN đã thu hút được 13 dự án FDI mới và điều chỉnh 2 dự án tăng vốn thêm 5 triệu USD, với tổng vốn đầu tư thu hút trên 1,4 tỷ USD. Riêng dòng vốn này đã chiếm tới 45% tổng số vốn FDI vào Quảng Ninh năm này.
Trong tổng số 15 dự án thứ cấp FDI đầu tư vào KCN Sông Khoai, đến nay có 2 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là: Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam (Jinko 1) và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng. 13 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng.
Dự kiến, tỉnh xây dựng kế hoạch thu hút vốn đầu tư FDI vào KCN Sông Khoai năm 2024, với tổng vốn đăng ký dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD, thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ...
Đáng chú ý, khu công nghiệp này thuộc thị xã Quảng Yên - địa phương đang phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025, đô thị loại II trước năm 2030.