Hàng nghìn tỷ xây nhà tái định cư nhưng bỏ hoang, trách nhiệm của ai?
Vì sao người dân không muốn nhận nhà tái định cư khiến hàng nghìn căn hộ tái định cư bị “bỏ hoang” lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư.
- 22-03-2018Thừa nhà tái định cư, lãng phí kéo dài
- 17-03-2018TP.HCM: Dư thừa gần 14.000 căn nhà tái định cư là do...chính sách
- 16-03-2018TPHCM: Nhà tái định cư chuyển thành nhà ở thương mại giá cao chót vót 65 triệu đồng/m2
Giải quyết tái định cư không gắn với thực tế
Những khu nhà xuống cấp, với những mảng tường bong tróc, mặt nền bị sụt lún hay hư hỏng cầu thang máy, hạ tầng thiếu đang là thực trạng của những khu nhà tái định cư. Đối với xã hội, dường như có một sự “mặc định” là nhà tái định cư đi kèm với kém chất lượng. Điển hình như các khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hay nhà N5B Trung Hòa (quận Thanh Xuân, Hà Nội)… liên tục có những phản ánh của người dân về hư hỏng hạ tầng, chất lượng tòa nhà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân.
Theo GS Đặng Hùng Võ, chất lượng công trình tái định cư kém như là một “căn bệnh” đã được tìm ra lâu nay nhưng chưa khắc phục được. Ở đây phải đặt ra câu hỏi việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong đầu tư xây dựng nhà tái định cư ra sao? Bên cạnh nguyên nhân là chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không “mặn mà” với khu tái định cư là không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Dự án nhà tái định cư Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) bị bỏ hoang 10 năm nay.
Giáo sư Võ phân tích, khi người dân đang phải bám mặt đất để kiếm sống nhưng lại tái định cư lên khu chung cư ở tầng rất cao, như vậy cắt nguồn sống của người được tái định cư. Người dân buộc phải bán lại nhà tái định cư giá rẻ, thậm chí là bỏ không để tìm một chỗ nào khác gắn với mặt đất để mưu sinh. Không chỉ ở các thành phố lớn, tái định cư Thủy điện Sơn La cũng là một bài học. Lúc đầu khu tái định cư cho người dân xây dựng rất nhiều những phố nhỏ, như khu nhà ở tập trung tại đô thị nhưng điều này lại không phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không ở và bỏ đi.
“Nhiều trường hợp, giải quyết tái định cư như “ở trên mây, trong phòng lạnh” không gắn với cuộc sống thực tế, không gắn với nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất ở. Việc khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của người dân tái định cư dường như chỉ là làm cho qua chuyện, mang tính thủ tục.” - GS Đặng Hùng Võ nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giải quyết tái định cư ở Việt Nam gắn với xây nhà, trong khi các nước chỉ cần có chính sách tái định cư. Khi xây dựng nhà tái định cư lại không thực hiện điều tra xã hội học để xem nguyện vọng của người dân, chỉ áp đặt, cho nên dẫn đến thất bại và hậu quả là nhà tái định cư “bỏ hoang”.
Cần chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất, quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2013 - 2016 của TP HCM, đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại. Hơn 14.366 căn hộ và đất nền bỏ không nhiều năm nay gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Do có ít người ở nên phần lớn các căn hộ trống chất lượng xuống cấp, cửa sắt rỉ sét, một số căn mái bị dột thấm, vỉa hè sụt lún, đường nội bộ xuống cấp… sẽ làm phát sinh chi phí bảo hành, bảo trì sửa chữa cao khi bố trí người dân vào ở. Ngoài ra, việc số lượng người dân vào tái định cư ít, rải rác kéo theo hệ luỵ là các công trình công cộng như trường học, phòng khám đa khoa, siêu thị đã hoàn thành nhưng không hoạt động gây lãng phí ngân sách.
TS.Phạm Sỹ Liêm cần quy được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện dự án tái định cư. (Ảnh: Petronews) |
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, cần quy được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện những dự án tái định cư không hiệu quả, không phù hợp nguyện vọng của người dân gây lãng phí nguồn đầu tư. Cũng cần có giải pháp chuyển những nhà tái định cư đang bỏ không sang nhà ở thương mại giá rẻ để bán thu hồi vốn đầu tư, cũng có thể đem đấu giá.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đi giám sát các dự án nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, khi có hơn 1.000 căn hộ bỏ không nhiều năm nay. Trong đó, 376 căn hộ còn trống nằm rải rác ở nhiều tòa nhà, có những tòa nhà tiếp nhận từ năm 2003. Sự lãng phí tiền nguồn lực đầu tư, sử dụng đất quỹ đất không hợp lý cũng là vấn đề được đặt ra.
Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, việc nhiều căn hộ tái định cư bỏ trống một thời gian dài, trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố rất thiếu là có trách nhiệm của Sở Xây dựng và Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
“Những căn hộ đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng đã lâu nhưng chưa bố trí được người dân ở cũng là sự lãng phí tài sản công. Đây là vấn đề đoàn giám sát rất quan tâm và kiến nghị Sở Xây dựng và Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố sớm bố trí người dân vào ở để đảm bảo sử dụng có hiệu quả trong điều kiện quỹ nhà tái định cư còn thiếu” – ông Nguyễn Nguyên Quân nói./.
VOV