Hàng ngoại đội lốt Made in Vietnam để tận dụng ưu đãi về thuế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, đại diện Bộ Công Thương đã có những ý kiến xoay quanh tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt xuất xứ Việt Nam và giá lúa gạo giảm phải mua dự trữ...
- 01-03-201920 dòng xe "già dơ" nhất vẫn còn đang sản xuất trên thị trường
- 01-03-2019Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại Long Biên, Hà Nội dồn lực dập dịch
- 01-03-2019Điêu đứng vì mía rớt giá
Chiều ngày 1/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt xuất xứ Việt nam không chỉ để xuất khẩu sang nước thứ 3 mà còn bán ngay tại thị trường trong nước.
"Nhìn về mặt tích cực, điều này khẳng định rằng hàng hóa của Việt Nam đang có bước phát triển tốt khi chất lượng, mẫu mã và giá cả đều cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và thế giới. Đây là một điều đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì trước kia, chỉ có hàng hóa của Việt Nam đội lốt xuất xứ nước ngoài để bán tại Việt Nam và xuất đi các nước khác", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn là việc các nước sử dụng xuất xứ hàng Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định FTA của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3, nhất là khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
"Nếu không cẩn thận, có thể một vài doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng tất cả doanh nghiệp khác trong tất cả ngành nghề sẽ phải hứng chịu các biện pháp rào cản từ các nước mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang. Khi đó, việc này sẽ gây thiệt hại lớn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để giảm thiểu rủi ro từ tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với tất cả bộ, ngành liên quan để kiểm soát hai chiều thương mại, gồm hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và hàng hóa Việt Nam xuất sang nước thứ 3.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cảnh báo một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc dự định có những hành vi như trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời phóng viên về việc giá lúa giảm dẫn đến Thủ tướng phải yêu cầu mua dự trữ sớm 200.000 tấn, Thứ trưởng cho rằng giá gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh trong thời gian qua do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu không biến động lớn. Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng đã đến một số địa phương như Đồng Tháp để đề xuất việc tạm trữ, thu mua gạo của bà con. Vì vậy, mấy ngày gần đây giá lúa gạo đã tăng lên đáng kể.
"Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết trước mắt như vậy thì việc sản xuất phải gắn với đầu ra, giải cứu không phải là giải pháp lâu dài. Để làm được phải có sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và các Bộ ngành liên quan", Thứ trưởng Hải chia sẻ.
Thứ trưởng Nông nghiệp Phùng Đức Tiến nói thêm, sau khi Thủ tướng chỉ đạo mua dự trữ lúa gạo cùng với thông tin Trung Quốc nhập 100.000 tấn thì giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến tích cực. Hiện giá lúa ổn định ở mức 4.500 đồng đến 4.600 đồng/kg.